Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Ấm áp quà tết công nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Trời vừa nhá nhém tối, khu chợ đêm trên đường Ngô Chí Quốc gần KCX Linh Trung 2 (quận Thủ Đức, TPHCM) đã có nhiều công nhân đến mua sắm. Với công nhân, dạo chợ, sắm đồ tết cho người thân là niềm vui trong những ngày này.

Yêu thương qua từng món quà

Dạo qua một vòng khu bán quần áo, Nguyễn Thị Diễm (công nhân Công ty Theodore Alexander, KCX Linh Trung 2) ghé lại quầy hàng áo ấm. Xem kỹ hết một loạt mẫu mã, màu sắc, chất liệu, Diễm chọn chiếc áo ấm màu xám với giá 200.000 đồng. Chị bán hàng nói: “Kiểu này cứng lắm, màu này cũng không hợp với em. Chị có nhiều kiểu trẻ trung, hiện đại lắm nè”. Diễm lắc đầu cười: “Không chị ơi, em mua cái này mang về tặng mẹ em. Mấy hôm nay ở Sài Gòn còn thấy lạnh nói gì đến Thanh Hóa quê em. Áo của mẹ cũ lắm rồi mà không dám mua áo mới. Lần này về tặng áo ấm, chắc mẹ mừng lắm!”. Thấy ánh mắt Diễm long lanh, tôi và chị bán hàng đều vui. Diễm cho biết trong những ngày giáp tết, cô và mấy người bạn cùng phòng hầu như ngày nào cũng dạo chợ, tranh thủ mua sắm đồ diện tết và mua quà cho người thân. Diễm cho biết thu nhập của cô khoảng 5 triệu đồng/tháng, ngoài tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn, đám tiệc… nếu khéo vén, cô cũng tích lũy được 1 đến 2 triệu đồng mỗi tháng để cuối năm về lì xì bố mẹ, các em và mua sắm quà cho gia đình.

Công nhân mua sắm tại chợ đêm Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM.

Với công nhân, món quà tết chất chứa biết bao ân tình của người con xa xứ mang về cho gia đình. Bởi vậy, vào mỗi dịp cuối năm, những phiên chợ tết tại các KCN đều rất nhộn nhịp. Công nhân sau khi tan ca, đến khu chợ này sẽ dễ dàng mua được những món hàng thiết thực cho mình và gia đình. Chợ bày bán đủ các loại hàng hóa từ quần áo người lớn, trẻ em, giày dép, mỹ phẩm, nữ trang, túi xách, nhu yếu phẩm…, mặt hàng nào nhìn cũng bắt mắt. Chị Cao Thị Vy (Công ty Sprinta, KCX Linh Trung 2) kể, cô quê ở Bến Tre nên chỉ cần đi xe máy khoảng 2 giờ là về đến nhà nên năm nào Vy cũng được ăn tết cùng gia đình. “Bây giờ ở quê cái gì cũng có, không lo thiếu nhưng em vẫn cứ thích sắm sửa vì quà Sài Gòn bao giờ cũng quý”, Vy kể. Chỉ vào chiếc túi ni lông to kềnh bên mình, Vy khoe cô đã mua cho ba được đôi dép, cậu em trai đôi giày mới và cô em út chiếc áo trắng. Vy tính: “Má gọi điện thoại lên bảo đừng sắm gì cho má nên em sẽ lì xì tiền để má mua thịt, mua dưa cho cả nhà ăn tết. Còn giày và áo trắng cho 2 đứa em có thể vừa diện tết vừa để đi học sau tết luôn”.

“Quà Sài Gòn mới quý” trở thành kim chỉ nam của những công nhân xa quê vì thế họ luôn khệ nệ tay xách, nách mang trong những chuyến về quê mặc cho các chủ nhà xe nhăn nhó, than thở: “Không biết nhét đâu cho hết”.

Gửi niềm vui cho con

Trong không khí tấp nập, ồn ào của phiên chợ tết công nhân, hầu như ai cũng tranh thủ mua mua, sắm sắm để có quần áo mới diện trong 3 ngày tết. Rồi nào quà cáp để mang về tặng người thân. Những người không đủ khả năng về quê cũng tranh thủ mua quà để gửi về cho cha mẹ, con cái. Trong những cơn gió lạnh se sắt của đêm cuối tuần, trên đường Tây Thạnh (quận Tân Phú, TPHCM), chúng tôi gặp chị Thái Thị Lành (Công ty Gốm sứ Kim Trúc, KCN Tân Bình) vẫn còn nguyên đồng phục công nhân đến mua sắm. Quê ở Quảng Ngãi, vào TPHCM làm việc và lấy chồng 12 năm nhưng chị Lành chỉ về quê đúng một lần nhân dịp em chồng lấy vợ. “Chưa có năm nào tôi được ăn tết ở quê. Cha mẹ hai bên cứ giục 2 đứa phải về quê ăn tết một lần nhưng làm sao được khi mình quá nghèo”, chị Lành tâm sự. Chị Lành làm công nhân, chồng chị làm bốc vác, mỗi tháng thu nhập chưa đến 10 triệu đồng nhưng phải trả tiền thuê nhà trọ, nuôi 3 đứa con. Chị cho biết tranh thủ tan ca sắm ít đồ tết cho mấy đứa con, thêm ít bánh mứt để gửi về cho cha mẹ hai bên. “Năm nay có người quen về, ông bà nội bảo nhớ cháu quá nên tôi gửi thằng lớn về ăn tết với ông bà. Tôi tranh thủ sắm ít đồ cho con về quê mặc cho tươm tất một chút. Qua tết họ hàng vào, cháu vào theo”, chị Lành cho biết.

Tại quầy bán quần áo trẻ em, tiếng một người đàn ông vang lên: “Cô ơi, có váy màu hồng không?”. Rất nhanh nhạy, chị bán hàng lôi ra một loạt váy hồng ngắn dài và hỏi bé mấy tuổi, nặng bao nhiêu ký để tư vấn. Đó là anh Đào Thanh Tiến, công nhân Công ty Ngọc Nghĩa – KCN Tân Bình, quê Hà Nam, vào TPHCM làm việc cũng tròn 10 năm và chỉ về quê ăn tết đúng một lần. Anh có một cô con gái 5 tuổi gửi cho ông bà ngoại ở quê nuôi giúp. “Con cái xa cha mẹ cũng buồn lắm nhưng nếu ở đây thì vợ chồng tôi không thể lo đầy đủ cho con vì còn phải tăng ca, làm thêm, không thể để con một mình ở phòng trọ được. Vì thế, ngày tết vợ chồng tôi mua rất nhiều quần áo, bánh kẹo cho bé để bù đắp”, anh Tiến chia sẻ. Trong khi tôi còn đang băn khoăn về hoàn cảnh của anh, anh vội xin phép về để khoe với vợ món quà mới mua cho con gái.

HỒNG HẢI

(SGGP)

Bình luận (0)