Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ấm lòng tân binh

Tạp Chí Giáo Dục

Kiểm tra lại quân trang, sắp xếp những vật dụng cá nhân vào chiếc ba lô bộ đội, đảng viên trẻ Nguyễn Phước Sang (23 tuổi, ngụ phường Long Phước, TP Thủ Đức) không giấu được sự háo hức, chờ đợi thời khắc sẽ trở thành tân binh, thành người lính bộ đội Cụ Hồ.

Tất cả là thử thách
Sang kể, từ khi là thiếu niên 14-15 tuổi, những thước phim, câu chuyện kể đã khắc sâu trong lòng cậu hình ảnh người lính Cụ Hồ vượt lên gian khổ, hy sinh quên mình vì đất nước. “Ngày đặt bút viết đơn tình nguyện nhập ngũ, em nghĩ bản thân đã được rèn luyện trong trường học thì nay cần rèn luyện thêm trong môi trường quân ngũ, khi Tổ quốc cần, mình có đủ tri thức và kỹ năng để phục vụ”, Sang tâm sự.
Vợ tân binh Nguyễn Khanh Hoài Bảo (quận Phú Nhuận) giúp chồng xếp lại hành lý trong chiếc ba lô lính.
Sang vừa tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh (Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng). Thời sinh viên, Sang cũng tình nguyện tham gia dân quân tự vệ tại địa phương nên đã có kinh nghiệm 3 năm tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ. Các cuộc tiễn đưa, những lời thăm hỏi đã kết nối tình bạn, giúp Sang dần hiểu về cuộc sống trong quân ngũ: khắt khe có, kỷ luật có nhưng ngày xuất ngũ, ai cũng trưởng thành hơn. “Chính sự đổi thay từ những người bạn phần nào tiếp thêm quyết tâm để em viết đơn tình nguyện nhập ngũ”, Sang nói.
Tại quận 5, năm nay cũng có 3 đảng viên trẻ tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khi tốt nghiệp đại học, Bùi Huy Hoàng tham gia lực lượng dân quân tự vệ ở phường 1. Chàng thanh niên năng nổ, nhiệt tình, không ngại khó vừa vinh dự được kết nạp Đảng đầu tháng 1-2021. Hoàng chia sẻ, anh gia nhập quân đội với mong muốn rèn bản thân và cố gắng rèn luyện thật tốt, kỷ luật nghiêm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong khi đó, Trần Tiến Đạt (27 tuổi, Bí thư Chi đoàn khu phố 6, phường 14), thường được mọi người nhớ đến là một anh chàng cận thị và tròn trịa cũng quyết tâm trở thành người lính. Để đạt được ước mơ, Đạt quyết định mổ mắt. Ra trường, đi làm kế toán công ty, rồi tự mình kinh doanh riêng, Đạt vẫn gắn bó với công tác Đoàn, rồi được kết nạp Đảng. Đạt nói: “So với các bạn cùng đi, tôi đã thuộc hàng lớn tuổi, từng trải. Tìm hiểu kỹ về môi trường quân đội, tôi cảm thấy đây sẽ là môi trường phù hợp với mình để rèn luyện và phát triển bản thân”.
Còn với chàng trai 21 tuổi Lục Nhữ Tuyên Quang, anh rất háo hức vì trong môi trường mới  anh sẽ kỷ luật hơn, có sức khỏe tốt hơn và nếu được phục vụ lâu dài trong quân đội thì “còn gì bằng”. Bỏ lại sau lưng cuộc sống tiện nghi và cả người yêu, quyến luyến thật, nhưng với Quang: “Tất cả chỉ là thử thách với tình yêu và bản lĩnh, vượt qua thử thách sẽ trưởng thành hơn”.
Hậu phương vững vàng
Sáng 2-3, trước lễ giao quân một ngày, sân UBND phường 7, quận Phú Nhuận (TPHCM) nhộn nhịp hơn ngày thường. Ở một góc sân, các cô, chị em đang ngồi may lại những chiếc áo xanh quân phục còn thơm mùi vải mới.
“Tụi nhỏ đứa mập ra, đứa ốm lại nên phải sửa cho nó vừa vặn, mặc mới đẹp. Rồi mấy cái cúc áo nữa, mình phải may kỹ cho thật chắc chắn, chứ lỡ đứt chỉ giữa chừng không có ai may giúp”, vừa tỉ mỉ đơm cúc áo, bà Mỹ Hoàng, Trưởng Ban công tác mặt trận khu phố 4, phường 7, nói. Cạnh đó, các bà, các chị cũng đang chăm chút lại từng đường kim mũi chỉ trên những bộ quân phục khác. 
Ở khu vực cắt tóc, qua bàn tay khéo léo của người thợ, những mái đầu mới hợp “thời trang người lính” xuất hiện. Phía trong bếp, các chị cũng hối hả chuẩn bị bữa cơm đãi các tân binh và gia đình các em. Là người nhiều năm tham gia nấu ăn tiễn thanh niên địa phương nhập ngũ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, các con đã mạnh mẽ xung phong lên đường rèn luyện để bảo vệ Tổ quốc, mình chung tay lo cho các con có niềm vui trước khi nhập ngũ, đó là hạnh phúc”. 
Ngồi cùng vợ và ba mẹ ăn bữa cơm trước lúc chia tay, Nguyễn Khanh Hoài Bảo, tân binh 23 tuổi, ngụ khu phố 1, phường 7 bùi ngùi: “Điều em lo nhất là trách nhiệm lo cho 2 con nhỏ phải chuyển lên đôi vai vợ. Nhưng từ khi em viết đơn xin nhập ngũ, vợ đã cho em thấy cô ấy là người mạnh mẽ và sẽ chăm sóc tốt các con”. Bảo là 1 trong 27 thanh niên của phường 7 nhập ngũ đợt này. Ngày viết đơn tình nguyện nhập ngũ, Bảo trăn trở nhiều. Gia đình động viên, vợ Bảo cũng khuyến khích chồng. Đặc biệt, sự chăm lo của địa phương đối với gia đình Bảo thời gian qua đã giúp em thêm ý chí lên đường.
Vợ chồng trẻ ngồi bên nhau, cùng sắp xếp lai đồ dùng cá nhân vào chiếc ba lô mới. Nở nụ cười nhưng Nguyễn Thụy Hồng Ngọc – vợ Bảo nói cũng có chút lo lắng vì Bảo bị viêm xoang, trở trời hay nhức đầu. Dù vậy, những ngày qua cả nhà đã thấy Bảo đầy quyết tâm, lạc quan nên sự lo lắng ấy dần biến mất, thay vào đó là sự gởi gắm, tin tưởng dù nhiệm vụ có khó khăn, anh cũng sẽ hoàn thành tốt.
Theo Hội đồng nghĩa vụ quân sự TPHCM, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn chăm lo các gia đình công dân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự với nhiều chương trình thiết thực. Đó là việc lập sổ tiết kiệm, tặng quà, hỗ trợ gia đình khó khăn có công dân nhập ngũ. Dịp tết vừa qua, TP Thủ Đức và các quận huyện tổ chức các đoàn đến từng gia đình có công dân chuẩn bị nhập ngũ thăm hỏi, động viên và tặng quà tết.
Trong số hơn 4.600 thanh niên TPHCM nhập ngũ năm nay, có 2 nữ. Nguyễn Đào Thúy Vy (24 tuổi, quận 6) cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành quản lý Nhà nước của Học viện Cán bộ TPHCM, cô đã có một công việc ổn định. Đăng ký nhập ngũ, Vy mong muốn tiếp nối truyền thống bộ đội Cụ Hồ của gia đình và thấy mình thật may mắn vì đã trúng tuyển. Còn Nhâm Nhã Tiên cũng gác lại công việc tại UBND phường 3, quận Tân Bình để lên đường nhập ngũ. Tiên cũng là một đảng viên trẻ, có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân đội. 
 

PV (theo SGGP)

Bình luận (0)