Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Âm nhạc cải thiện giao tiếp xã hội ở trẻ tự kỷ

Tạp Chí Giáo Dục

Ca hát, chơi nhạc cụ, tham gia các hoạt động âm nhạc có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ tự kỷ.
Chơi nhạc cụ giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Theo một nghiên cứu được công bố trên chuyên san Journal of Translational Psychiatry, ca hát, chơi nhạc cụ, tham gia các hoạt động âm nhạc có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ tự kỷ, nâng chất lượng cuộc sống của gia đình trẻ cũng như tăng khả năng kết nối não bộ.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Montreal và Đại học McGill (Canada) khảo sát ở nhóm trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD), từ 6 – 12 tuổi. Những trẻ này tham gia một cuộc thử nghiệm lâm sàng liên quan đến chương trình can thiệp dựa trên âm nhạc kéo dài 3 tháng.
Đầu tiên, cha mẹ hoàn thành bảng câu hỏi về kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ và chất lượng cuộc sống của gia đình, cũng như tình trạng bệnh của trẻ.
Trẻ được phân chia ngẫu nhiên thành hai nhóm: một nhóm được tiếp xúc với âm nhạc (45 phút/lần) và nhóm còn lại thì không.
Trong nhóm nhạc, trẻ hát và chơi các nhạc cụ khác nhau, tương tác qua lại với một nhà trị liệu. Nhóm còn lại cũng tiếp xúc với nhà trị liệu song không tham gia hoạt động âm nhạc nào.
Kết quả, kỹ năng giao tiếp và chất lượng cuộc sống gia đình ở nhóm nhạc cải thiện đáng kể so với nhóm kia. “Phát hiện này rất thú vị và giúp mở ra liệu pháp can thiệp khả dĩ cho bệnh tự kỷ”, trưởng nhóm nghiên cứu Megha Sharda cho biết.
Dữ liệu được thu thập từ các bản chụp não bằng MRI (máy chụp cộng hưởng từ) cho thấy kỹ năng giao tiếp cải thiện ở trẻ được can thiệp bằng âm nhạc có thể là nhờ sự kết nối tăng lên giữa các vùng thính giác và vận động của não, đồng thời giảm khả năng kết nối giữa các vùng thính giác và thị giác, vốn thường kết nối quá mức ở những người bị chứng tự kỷ.
Chuyên gia Sharda giải thích thêm, khi giao tiếp với một người khác, chúng ta cần phải chú ý đến những gì họ đang nói, lập kế hoạch trước để biết khi nào đến lượt chúng ta nói và bỏ qua những tiếng ồn không liên quan.
Tuy nhiên, điều này thường là thách thức lớn đối với những người mắc chứng tự kỷ.
Các chuyên gia cho biết đây là thử nghiệm lâm sàng đầu tiên cho thấy liệu pháp can thiệp âm nhạc cho trẻ tự kỷ ở độ tuổi đi học có thể giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp và kết nối các vùng não.
Theo Mai Duyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)