Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Âm nhạc không biên giới

Tạp Chí Giáo Dục

250 nghệ sĩ từ khắp thế giới, kỷ lục 7 chương trình âm nhạc chuẩn quốc tế trong 4 ngày liền, 50 bộ nhạc với hàng trăm tiết mục, hơn 150.000 khán giả tham dự trực tiếp, hơn 12 triệu lượt tiếp cận qua mạng xã hội…, Lễ hội Âm nhạc quốc tế TPHCM – Hò dô 2022 khép lại với những con số ấn tượng mà chưa có một lễ hội âm nhạc nào khác ở Việt Nam có được.

Đông đảo khán giả tham dự trực tiếp  Lễ hội Hò dô 2022. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đông đảo khán giả tham dự trực tiếp Lễ hội Hò dô 2022. Ảnh: Dũng Phương

Hội tụ dòng chảy âm nhạc đương đại

Hơn 21 giờ, sân khấu công viên cầu Thủ Thiêm 2 bừng sáng khi Ricky Kej (nghệ sĩ gốc Ấn 2 lần đoạt giải Grammy, nhà hoạt động môi trường và nhân đạo của UNICEF) quay trở lại. Vẫn như lần đầu đến Việt Nam trên sân khấu Hò dô 2019, năm nay Ricky Kej có màn trình diễn mang hơi thở âm nhạc mới lạ, chứa đựng thông điệp ý nghĩa về con người và môi trường: vai trò của nước với sự sống con người, lời khẳng định “The world is one family (mọi người trên thế giới là một gia đình)”. Hàng chục ngàn khán giả bên dưới lắc lư theo tiếng nhạc, khi dặt dìu, lúc bùng nổ, dõi theo từng hình ảnh chạy trên màn hình phía sau lưng Ricky Kej.

“Tôi không rõ ông ấy và ban nhạc đang hát gì, nhưng giai điệu quá đẹp, dạt dào cảm xúc và sự kết hợp những hình ảnh ngập tràn thông điệp về sự sống, thiên nhiên và con người khiến bất cứ ai có mặt trong đêm nhạc đều có thể thấy và cảm được vẻ đẹp hòa quyện của âm nhạc sâu thẳm đến thế nào”, chị Nguyễn Thị Minh Anh (34 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), khán giả đêm nhạc, chia sẻ cảm nhận. 

Cũng trong đêm đó, huyền thoại âm nhạc thế giới Babyface (nghệ danh của Kenny Edmonds), chủ nhân 12 tượng vàng Grammy, tốp 20 nhà sản xuất âm nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại, đã đi chặng đường rất xa để đến TPHCM. Ngoài tiết mục song ca cùng Ngọc Mai, Babyface và ban nhạc đã trình diễn loạt ca khúc làm nên tên tuổi ông. Trong khi đó, phía sân khấu phố đi bộ Nguyễn Huệ, Skeleton Goode – ban nhạc tập hợp nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, đã tạo nên không gian âm nhạc không biên giới ngay tại nơi ban nhạc này được thành lập – TPHCM.

Bản sắc Việt giữa Đông Tây kim cổ

“Các nghệ sĩ Việt rất khéo léo kết hợp ngôn ngữ âm nhạc thời thượng, đương đại với tư duy âm nhạc mới mẻ để thể hiện các làn điệu dân ca truyền thống Việt Nam. Những màn trình diễn đã cho thấy ngôn ngữ, phong cách biểu diễn của nghệ sĩ trong nước rất đa dạng, đậm dấu ấn, khi đứng cạnh nghệ sĩ quốc tế. Họ ngang hàng một cách sòng phẳng, họ là bộ mặt âm nhạc Việt đương đại, là những gì đẹp đẽ nhất cho nhạc Việt lúc này”, Tổng đạo diễn Hò dô 2022 – nhạc sĩ Bùi Huy Tuấn, tự hào nói.

Phải nói rằng, bản sắc nhạc Việt đã được khẳng định rất rõ ràng ngay từ đêm khai mạc cho đến ngày biểu diễn cuối cùng tại 2 sân khấu lễ hội. Ấy là khi ca vũ Team by Dzung, Hà Lê tôn vinh dân ca các vùng miền Việt Nam với các tiết mục độc tấu đàn tranh, Xe chỉ luồn kim, Trống cơm, Còn duyên, Đi cấy, Hò dô, Múa sạp xòe hoa. Là lúc Âm sắc phương Nam dạt dào hơi thở vùng đất, khí khái con người phương Nam trong thời đại mới, thể hiện qua các màn trình diễn của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. Các bản hòa tấu Vó ngựa trời Nam, Khát vọng tỏa sáng, hát múa Đời biển – Đời chài… xen kẽ giữa màn trình diễn của các ban nhạc đến từ Nhật Bản, Tây Ban Nha vô cùng rực rỡ. 

Muca Band, ban nhạc đến từ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, đã xuất sắc khi kết hợp các nhạc cụ hiện đại và truyền thống Việt Nam, thể hiện kỹ năng chơi nhạc cụ điêu luyện qua màn song tấu và kết hợp giữa đàn tranh, sáo trúc, đàn nguyệt dạt dào cảm xúc. Các bản phối vô cùng mới mẻ với nhạc cụ hiện đại cho những bài dân ca, những phần solo kèn saxophone, guitar, trống… 

Thành công của Hò dô mùa 2, những điều mới mẻ “lễ hội trong lễ hội”, đã kiến tạo không gian âm nhạc tôn vinh nét đẹp riêng của các nước vừa sống động, quy mô xứng tầm lễ hội âm nhạc quốc tế, mà lại rất gần gũi. Theo nhạc sĩ Huy Tuấn, Hò dô 2022 thành công định hình được mô hình lễ hội âm nhạc cộng đồng. “Lễ hội âm nhạc không chỉ có sân khấu, âm nhạc mà còn tạo ra những không gian trải nghiệm cho tất cả được tụ họp, gặp gỡ, trải nghiệm, thưởng thức không khí lễ hội đích thực. Đó là các tọa đàm chủ đề ngành công nghiệp âm nhạc; các cuộc thi cho nghệ sĩ trẻ, thiếu nhi; các hoạt động biểu diễn khinh khí cầu, ẩm thực, nghệ thuật sắp đặt… Chúng tôi hy vọng năm sau công chúng sẽ biết đến nhiều hơn không gian lễ hội – một sản phẩm văn hóa cộng đồng nhiều ý nghĩa”, nhạc sĩ nhấn mạnh.

“TPHCM không chỉ là trung tâm lớn về kinh tế, khoa học – công nghệ, văn hóa, giáo dục của đất nước và khu vực Đông Nam Á, mà còn là nơi hình thành, phát triển nền nhạc nhẹ Việt Nam với nhiều tài năng nghệ thuật góp phần định hình rõ nét, đưa âm nhạc đương đại vươn ra thế giới. Với mong muốn xây dựng thương hiệu lễ hội âm nhạc quốc tế thường niên qua những nét đặc trưng, độc đáo, hội nhập quốc tế nhưng vẫn đậm bản sắc âm nhạc dân tộc, Hò dô giới thiệu đến bạn bè quốc tế nét đẹp ngôn ngữ âm nhạc giàu bản sắc của thành phố; giới thiệu đội ngũ nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc của Việt Nam; định hướng thị hiếu âm nhạc và tạo ra những sản phẩm văn hóa đa dạng, khẳng định mục tiêu hình thành ngành công nghiệp âm nhạc của thành phố”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng chia sẻ.

Theo Tiểu Tân/SGGPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)