Âm nhạc là cầu nối làm cho thế giới xích lại gần nhau hơn nhưng đối với vợ chồng nhạc sĩ (NS) Trần Hữu Bích – nguyên Phó Trưởng ban Ca nhạc Đài Truyền hình TP.HCM, âm nhạc còn là ngọn lửa thắp sáng tình yêu vợ chồng và bếp than hồng ấm áp hạnh phúc gia đình.
Vợ chồng NS Trần Hữu Bích (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Gần nửa thế kỷ đi chung một con đường, NS Trần Hữu Bích và nghệ sĩ Lê Yến Nga luôn chăm chỉ vun vén và xây đắp cho một tình yêu thủy chung dù cuộc đời có không ít mưa nắng nhọc nhằn.
1. Năm 1954 hòa bình lập lại đã mở ra một chân trời mới cho cậu bé 7 tuổi bắt đầu bén duyên với đàn violon. Cũng nhờ chiếc đàn vĩ cầm lên tiếng mà tài năng nghệ thuật của Trần Hữu Bích được chắp cánh để trở thành SV khóa đầu tiên của Nhạc viện TP.Hà Nội. Sau 10 năm rèn luyện trên những phím đàn sang trọng, ông ra trường với thành tích đáng nể nên được ưu ái phân công về đoàn ca nhạc Đài Phát thanh Giải phóng. Như cá gặp nước, khi được làm việc trong môi trường thuận lợi nhất là với dàn nghệ sĩ tài năng của đoàn ca nhạc, sở trường thiên bẩm của người nghệ sĩ trẻ bắt đầu lộ thiên. Ngoài chơi đàn, NS Trần Hữu Bích còn hòa âm phối khí các bài hát cho dàn nhạc của đài. Không chỉ là chốn đi về của người NS trẻ, Đài Phát thanh Giải phóng còn là nơi chứng kiến tình yêu nảy nở của đôi trai gái. Đó là năm 1971 khi chàng NS người Hà Nội hào hoa để ý tới cô diễn viên xinh đẹp của đoàn ca múa Tuyên Quang sau lần đi phục vụ bà con vùng Việt Bắc. Từ một cô bé tỉnh Thanh có giọng hát trời cho, Lê Yến Nga đã được đoàn ca múa Tuyên Quang tuyển dụng để trở thành một trong những giọng ca chính.
2.Cũng giống như chàng trai Đài Phát thanh Giải phóng, cô ca sĩ Yến Nga tình nguyện vượt Trường Sơn đem lời ca tiếng hát phục vụ chiến trường lửa khói tại đường 9 Nam Lào. Năm 1971 sau một đám cưới giản đơn và ấm cúng Yến Nga về công tác chung tại Đài Phát thanh Giải phóng.
Từ đó tình yêu của họ lớn dần lên theo năm tháng cùng với những bước ngoặt lịch sử hào hùng nhưng cũng không ít gian nan của đất nước. Với vai trò là người vợ, bà trở thành hậu phương vững chắc để chồng có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp âm nhạc nhất là sau khi họ có được thành viên mới là cậu con trai đầu lòng Trần Hữu Quốc. Đây cũng là giai đoạn tài năng NS Trần Hữu Bích thăng hoa khi có nhiều sáng tác âm nhạc và công trình hòa âm phối khí cho các chương trình biểu diễn lớn. Nhớ lại khoảng thời gian đó, NS Trần Hữu Bích lúc nào cũng không phụ công sức thầm lặng của vợ. Ông nói: “Bà xã tôi là người vợ tuyệt vời, bao nhiêu năm qua đã gắn bó và giúp đỡ chồng rất nhiều trong công việc quán xuyến gia đình, nuôi dạy con cái, chăm sóc cho chồng con để tôi yên tâm làm việc. Điều đó chính là nguồn động viên để hai vợ chồng cùng công tác tốt, cũng như giúp đỡ, chia sẻ với những sáng tác mới của chồng”. Theo ông, bà còn là thính giả đầu tiên luôn vinh dự được tiếp nhận đứa con tinh thần âm nhạc của ông. Chính sợi dây âm thanh đã bắc cầu hạnh phúc cho nghĩa phu thê, tình chồng vợ. Năm 1975 bà Yến Nga cùng gia đình vào TP.HCM tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn trở thành diễn viên đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói VN 2, biên tập viên Đài FM Truyền hình TP.HCM.
3. Ông bà còn là bệ phóng vững vàng cho 2 đứa con thành tài để tiếp tục đi theo con đường âm nhạc. Nhờ có sự định hướng tốt, 5 tuổi Hữu Quốc bén duyên với cây đàn violon do bố Bích là người thầy đầu tiên. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM, 1987 Hữu Quốc du học violon tại Nga. Sau 16 năm học tập ở Nga, anh đã đạt nhiều giải thưởng violon quốc tế. Hiện nay, anh là giáo sư âm nhạc, giảng dạy ở 3 trường đại học và là trưởng của nhiều dàn nhạc giao hưởng và thính phòng Hàn Quốc. Cô con gái 11 tuổi cũng đang theo học violon tại Hàn Quốc. Cô gái út Trần Lê My cũng không thua gì người anh khi 5 tuổi bắt đầu học nhạc. 1992 học piano tại Nhạc viện TP.HCM. Từng đạt giải cao tại cuộc thi Tài năng trẻ piano, kỳ thi piano quốc tế tại Italia trước khi du học piano tại Trung Quốc. Lê My là giảng viên dạy piano tại Nhạc viện TP.HCM và là biên tập viên âm nhạc tại Ban Ca nhạc Đài Truyền hình TP.HCM.
Quang Phan
Bình luận (0)