Những năm gần đây, thị trường âm nhạc TPHCM phát triển và có nhiều thay đổi mạnh mẽ, góp phần tạo nên không gian âm nhạc đa sắc, tươi tắn. Tuy nhiên, trong sự phát triển chung đó vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nóng bỏng xung quanh việc định hướng sáng tác, biểu diễn và thưởng thức âm nhạc.
Ca sĩ trẻ Từ Minh Hy – đã mất dấu sau khi nổi lên với ca khúc “Bông hồng có gai” và một vài hoạt động biểu diễn âm nhạc. Ảnh: LTB |
Chưa kiểm soát được chất lượng ca khúc
Nhìn tổng thể, nhạc trẻ, nhạc teen hiện vẫn dẫn đầu top những thể loại nhạc hoạt động mạnh mẽ, lấn át các dòng nhạc khác. Công nghệ thông tin hiện đại ngày nay đã giúp giới trẻ cập nhật âm nhạc nhiều hơn vì việc đăng – tải nhạc dễ dàng. Ngược lại nhạc online cũng cho thấy tính định hướng thẩm mỹ, chất lượng ca khúc là khó có thể kiểm soát.
Chưa kể, thời đại nghe nhìn đã tạo nên xu hướng và thói quen thưởng thức âm nhạc bằng mắt hơn bằng tai ở một bộ phận khán giả trẻ, giúp nhạc trẻ, nhạc teen có chỗ đứng trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, nhạc truyền thống cách mạng, nhạc cổ truyền dân tộc, dân ca… dường như chỉ hoạt động biểu diễn rầm rộ vào những thời điểm có các sự kiện lễ, hội, tết và phục vụ mang tính chất tuyên truyền. Nhạc tiền chiến, nhạc xưa tung hoành ồn ào cách đây vài năm cũng đã nhẹ nhàng thoái trào, chỉ có các phòng trà và một số ít sân khấu.
Thể loại rock ồn ào cuồng nhiệt thỉnh thoảng vẫn làm được vài show đặc biệt, thu hút giới trẻ với lượng khán giả hâm mộ hùng hậu, nhưng vẫn chưa có những phá cách độc đáo và luôn thiếu sân chơi cho người trong cuộc.
Đặc biệt, nhạc cổ điển, bác học – nhịp cầu nối giao lưu văn hóa Việt Nam và thế giới đã có những chuyển biến nhất định. Nhiều chương trình biểu diễn, hợp tác giảng dạy, phối hợp đào tạo giữa Việt Nam và các nước được thực hiện, tạo điều kiện để nghệ sĩ Việt Nam – TPHCM tiếp cận, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn.
Nhưng nhìn chung, hoạt động của dòng nhạc cao cấp này cũng chỉ cầm chừng, duy trì với vài chương trình mỗi tháng, mà vé mời thường nhiều hơn số vé bán ra thị trường.
Lượng nhiều, chất ít
Hiện nay, lượng ca sĩ trên cả nước đã vượt qua con số 1.000, trong đó, số lượng ca sĩ trẻ, ca sĩ mới tại TPHCM luôn đứng đầu. Chuyện ca sĩ học nhạc viện ra trường, tự thân vận động, ca hát và nổi tiếng là không thể.
Để có chút danh phận, ca sĩ phải có hậu thuẫn là các công ty đào tạo ca sĩ, hoạt động với ê kíp riêng, có những kế hoạch, chiến lược PR, chiêu thức lăng xê đủ kiểu. Tuy nhiên, không phải ca sĩ trẻ nào cũng tạo được tên tuổi từ các công ty này. Không ít nơi kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì”, đã tạo nên những “ngôi sao” sớm nở tối tàn chỉ “bay lên” được nhờ 1, 2 ca khúc và sau đó mờ nhạt, mất dấu.
Thế nên, không thể mong đợi sẽ có được những giọng ca chất lượng, bản lĩnh, có thể trụ lâu dài trong làng nghệ thuật với cách đào tạo ấy. Đó cũng là một trong những nguyên nhân góp phần tạo nên sự thiếu hụt lớp ca sĩ kế thừa, dù thị trường có quá nhiều ca sĩ trẻ.
Riêng trong lĩnh vực sáng tác, công chúng yêu nhạc thường thấy xuất hiện thêm những gương mặt mới toanh, họ khuấy động thị trường âm nhạc thành phố bằng việc mỗi ngày ra mắt vài ca khúc, thuộc dạng chất lượng nghệ thuật non yếu.
Trong khi đó, việc giáo dục âm nhạc cho khán giả từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hiện vẫn chưa được quan tâm nhiều. Thế nên không ít khán giả trẻ tiếp cận âm nhạc với sự hiểu biết chừng mực về nghệ thuật âm nhạc và vô tình cổ vũ cho các tác phẩm kém thẩm mỹ, thiếu tính nghệ thuật…
* PGS-NS Thế Bảo: “Ngày nay, các nhạc sĩ trẻ rất năng động, nhanh nhạy, tài năng, nhưng cũng có không ít người háo danh, ham nổi tiếng sớm, nên thị trường xuất hiện tình trạng những sản phẩm âm nhạc tốt xấu lẫn lộn. Vậy nên, thời đại mới luôn đòi hỏi giới văn nghệ sĩ phải tự giác, có tâm và phải chịu trách nhiệm về các sáng tác của mình. Đây cũng là thời đại công nghệ thông tin phát triển rất mạnh nên xuất hiện tình trạng tự xuất bản, không có kiểm duyệt, đã ảnh hưởng rất nhiều đến giới trẻ, thanh thiếu niên trong việc tiếp nhận nghệ thuật âm nhạc. Tôi thấy cần thiết có những tổ chức tập họp, hướng dẫn những sáng tác trẻ, để họ được học thêm, định hướng và trưởng thành lên”. * Nhạc sĩ Đỗ Kiên Cường: “Đừng vội khẳng định khán giả hôm nay không hiểu biết gì về âm nhạc. Họ vẫn luôn chọn lọc những tác phẩm hay để thưởng thức và tẩy chay những sản phẩm âm nhạc thiếu giá trị. Tuy nhiên, nếu việc giáo dục âm nhạc trong nhà trường được quan tâm hơn sẽ giúp nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng của công chúng – nhất là giới trẻ. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ nhân tài thật sự chưa được quan tâm nhiều, thế nên không ít tài năng trẻ ra nước ngoài du học đã không về, nghệ sĩ có tài thì buông xuôi, không thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê âm nhạc mà họ đã kỳ công vất vả học tập, rèn luyện, đầu tư biết bao chi phí, thời gian…”. |
Thúy Bình (theo SGGP)
Bình luận (0)