Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Âm nhạc trên TikTok: Quảng bá hiệu quả nhưng khó kiểm soát

Tạp Chí Giáo Dục

Theo báo cáo What’s Next 2022 của TikTok, giải trí là một trong những nội dung được người dùng Việt Nam quan tâm hàng đầu. Nắm bắt xu hướng đó, rất nhiều sản phẩm âm nhạc gần đây đã được tích cực quảng bá trên nền tảng này.

Đa dạng cách thức giới thiệu

Dù TikTok không phải là nền tảng chính để đăng tải, lưu trữ các sản phẩm âm nhạc chất lượng cao, nhưng sức ảnh hưởng của nó trong việc đưa sản phẩm trở thành xu hướng là không thể phủ nhận. Vì vậy, ngày càng nhiều nghệ sĩ hoạt động tích cực trên nền tảng này. 

Ca sĩ Tóc Tiên hướng dẫn người hâm mộ thực hiện thử thách dance challenge trong sản phẩm mới của mình trên TikTok - ẢNH: N.M.

Ca sĩ Tóc Tiên hướng dẫn người hâm mộ thực hiện thử thách dance challenge trong sản phẩm mới của mình trên TikTok 

Với xu hướng xem video khung hình đứng và thời lượng ngắn, nhiều sản phẩm đã được tích hợp để cho ra mắt teaser, trailer…, thậm chí quay toàn bộ video theo khung hình đứng. Mới đây, ca sĩ Thu Minh đã cho ra mắt dự án #thuminhthuminh gồm các bài hát được làm lại theo phong cách riêng biệt, mới mẻ. Về phần hình ảnh, các video thuộc dự án này không theo tỷ lệ khung hình 16:9 như các sản phẩm truyền thống mà được tinh chỉnh để phù hợp hơn với màn hình dọc, tạo được sự thích thú đối với khán giả. Đặc biệt, bài Hẹn ước từ hư vô theo phong cách disco đã thu được gần 360.000 lượt xem trong gần 15 ngày qua.

Ngoài việc quay hoàn toàn theo kích thước đứng, thì các nghệ sĩ cũng tạo ra rất nhiều “thử thách” (challenge) cho người hâm mộ, góp phần tăng thêm mức độ nhận diện sản phẩm. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 vừa rồi, cả Hồ Ngọc Hà và Tóc Tiên đều tung ra sản phẩm âm nhạc mới kèm các thử thách cho người hâm mộ. Cụ thể, với phần âm nhạc độc đáo, vũ đạo đơn giản, dễ thực hiện…, Tóc Tiên đã tạo ra dance challenge – thử thách vũ đạo, dance practice – clip hướng dẫn nhảy, và kêu gọi các fan cùng thực hiện cho bài hát mới 906090 của mình. Trong khi đó, màn “biến hình” của Cô đơn trên sofa cũng được Hồ Ngọc Hà tích cực hướng dẫn cho người hâm mộ làm theo. Việc sử dụng giai điệu cùng với hashtag sẽ giúp sản phẩm này lan truyền nhanh chóng.

Không dừng ở đó, cả hai nghệ sĩ đều cùng viện tới “sự hỗ trợ” từ người nổi tiếng để quảng bá thêm những sản phẩm này. Chẳng hạn với Tóc Tiên, đoạn điệp khúc gồm ba con số 90-60-90 trong giai điệu hip hop bắt tai cùng vũ đạo dễ thực hiện đã được nữ ca sĩ tích cực sử dụng để “quấy rối” bạn bè nổi tiếng và rất nhiều bạn trẻ sáng tạo nội dung có nhiều ảnh hưởng trên TikTok…, tạo nên khoảnh khắc vui nhộn. 

Kết quả thu được khá khả quan, clip thử thách đạt hơn 466.000 lượt xem, trong khi các đoạn cắt ra từ sản phẩm chính có khi đạt đến hơn 2,2 triệu lượt xem. Xét riêng về phần âm nhạc, giai điệu của bài hát này đã được sử dụng hơn 3.000 lần ở các clip khác, góp phần lan truyền bài hát một cách nhanh chóng. 

Dự án của Hồ Ngọc Hà cũng thu được kết quả tương tự, với gần 9.000 lượt sử dụng âm thanh, còn các clip được cắt ra từ sản phẩm gốc đạt gần 400.000 lượt xem. Khác với Tóc Tiên, Hồ Ngọc Hà chỉ mới tận dụng được sự hỗ trợ từ những đồng nghiệp trong giới giải trí, chứ chưa kết hợp cùng những bạn trẻ sáng tạo nội dung nổi bật. Màn “biến hình” của sản phẩm này cũng dễ thực hiện hơn thử thách nhảy, nên số lượt sử dụng âm thanh có phần chênh lệch.

Vẫn còn khuyết điểm

Tuy là công cụ quảng bá hiệu quả, nhưng nền tảng này cũng đang tồn tại rất nhiều vấn đề. Với xu hướng làm nội dung ngắn, các bài hát muốn thành công phải có giai điệu bắt tai. Từ đó tồn tại khá nhiều sản phẩm được làm theo kiểu “mì ăn liền”, không được đầu tư một cách bài bản, chỉ là những đoạn riêng biệt dễ lên xu hướng. Việc này còn dẫn đến hệ lụy khác là những bản có giai điệu nhanh, vui tươi sẽ thường được thích hơn giai điệu buồn. Nên những bản remix, tăng tốc độ… cũng rất có thể được phối mà không quan tâm đến nội dung, cảm xúc, làm giảm giá trị bài hát. 

Gần đây, nhiều bản ballad trầm buồn được nhiều người sáng tạo nội dung phối lại theo  cách hát truyền thống – hào hùng. Ban đầu cách làm này có thể đem đến tiếng cười, nhưng về sau lại gây ra rất nhiều suy ngẫm về giá trị nguyên bản của một bài hát, khi phải đặt giữa cảm xúc và sự phổ biến mà nền tảng này mang lại. Ngoài ra, với việc làm nhanh, cho ra mắt nhanh… mà không trải qua quá trình cân nhắc, thử nghiệm cũng như sáng tạo… đã gây ra nhiều sự việc đáng tiếc như đạo, nhái, vay mượn…

Mới đây, rapper Linh Thộn – người có sản phẩm Anh yêu em cực “làm mưa làm gió” trên nền tảng này – bị nhà sản xuất người Canada Eugene Tsai phản ứng vì đã sử dụng phần phối ca khúc This is America, I guess mà chưa xin phép. Sau đó, Linh Thộn đã xin lỗi và trao đổi với chủ nhân bài hát nói trên. Anh cho biết ý tưởng ban đầu làm sản phẩm này là để dành cho mục đích cá nhân, thế nhưng với việc trở thành xu hướng thì mọi thứ đã vượt quá dự đoán dẫn đến sự cố đáng tiếc. Sau những trao đổi với phía nắm giữ bản quyền, vụ việc cũng đã được giải quyết êm xuôi. Thế nhưng, đó là một ví dụ cho thấy vấn đề bản quyền âm nhạc vẫn là bài toán đau đầu trên nền tảng này.

Từ những điều trên, có thể thấy TikTok là một nền tảng rất hiệu quả trong việc quảng bá sản phẩm của nghệ sĩ. Tuy nhiên, chỉ nên xem đó là phương tiện phục vụ cho việc quảng bá. Không nên chọn TikTok làm môi trường chính để lên xu hướng hay trào lưu, bởi sau đó, rất nhiều bất ổn về chất lượng tác phẩm âm nhạc có thể bộc lộ. 

Theo Ngô Minh/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)