Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Âm nhạc trị liệu – vùng đất nhiều tiềm năng

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc sống ngày càng áp lực, con người rất cần thứ âm nhạc để xoa dịu và chữa lành tâm hồn

Phim tài liệu âm nhạc mang tên "Những vết thương lành" khắc họa những "vết thương" của 4 nhân vật đặc biệt với những cuộc đời khác nhau, tưởng chừng không liên quan nhưng lại có một sợi dây vô hình kết nối họ lại. Tất cả "vết thương" của các nhân vật được ngắm nhìn và kết nối bởi người kể chuyện là ca sĩ Hà Anh Tuấn.

Những yên ổn trong tâm hồn

Phim sử dụng nhiều ca khúc được viết bởi Ngọc Lễ, Việt Anh, Đức Trí, Phạm Hải Âu… Ca sĩ Hà Anh Tuấn bày tỏ: "Khi ngắm nhìn những vết thương, chính là lúc đã qua đỉnh của cơn đau. Khi ấy, vết thương trở thành tài sản, thành báu vật của mỗi người". Bộ phim đã được khán giả đón nhận bởi sự đồng cảm và hơn hết, khán giả tìm được cách chữa lành vết thương của chính mình.

Album "Thanh âm tỉnh thức" cũng là một trong những sản phẩm tạo hiệu ứng trị liệu được khán giả tìm kiếm. Bằng sự tinh tế trong âm thanh, "Thanh âm tỉnh thức" đưa âm nhạc đến với người nghe một cách khác biệt. Những phút giây tĩnh lặng để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của những thanh âm, tâm hồn người nghe như trở về với hiện tại. "Thanh âm tỉnh thức" góp phần nâng cao thiện tính của mỗi người, để từ đó bước vào cuộc sống, công việc với trái tim yêu thương, tinh thần sáng tạo có trách nhiệm.

Âm nhạc trị liệu - vùng đất nhiều tiềm năng- Ảnh 1.

Ca sĩ Khánh Linh chinh phục khán giả qua những ca khúc âm nhạc trị liệu. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh bộc bạch: "Thanh âm tỉnh thức là những âm thanh mang lại sự tinh khiết, sự tỉnh thức cho tâm hồn người nghe. Tôi thích những sản phẩm âm nhạc giúp người nghe chữa lành và hướng đến những điều tốt đẹp!".

Với album "Rừng xưa đã khép", nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã mang đến một không gian nhạc Trịnh mới lạ và thú vị. Từ trước đến nay, nghe nhạc Trịnh, người yêu nhạc thường cảm nhận bằng lời ca và giọng hát nhưng Võ Thiện Thanh đã chinh phục bằng cách hòa âm. Vẫn còn đó giai điệu du dương, trầm mặc của nhạc Trịnh nhưng có sự biến hóa: lúc dữ dội, tha thiết, lúc nhẹ nhàng, đằm thắm của âm nhạc điện tử. Người nghe có cảm giác như những bản nhạc được trình diễn bằng một dàn hòa nhạc trên sân khấu.

Khán giả còn được thưởng thức những sản phẩm âm nhạc đầy tính "chữa lành" của nhạc sĩ Quốc Bảo, Nguyễn Văn Chung, Đình Bảo, Ngô Hồng Quang… Tất cả đều dùng âm thanh, theo những cách khác biệt, tương ứng với tư duy sáng tạo của mỗi người, để tạo nên những yên ổn trong tâm hồn người nghe.

Tái tạo sức khỏe tinh thần

Ngày nay, "âm nhạc trị liệu", "âm nhạc chữa lành"… không còn là thuật ngữ xa lạ. Khoa học đã chứng minh âm nhạc là một phương pháp trị liệu, giúp giảm căng thẳng, nguồn cảm hứng để con người vượt khỏi những giai đoạn tăm tối của cuộc đời. Một nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Sussex (Anh) chỉ ra rằng chỉ cần 6 phút nghe nhạc, bạn đã có thể giảm đến 61% căng thẳng đang tích tụ trong người. Nhà tâm lý học Laura Ferreri tại Đại học Lyon (Pháp) cho biết âm nhạc giúp bộ não sản sinh dopamine tự nhiên – giúp cơ thể cải thiện tâm trạng, loại bỏ mệt mỏi và trì trệ.

Trong sản phẩm "Khánh Linh's Journey", nhạc sĩ Võ Thiện Thanh chinh phục khán giả bởi những câu chuyện được kể một cách cặn kẽ bằng âm nhạc. Những thanh âm của "Khánh Linh's Journey" đã tạo nên một không gian âm nhạc đầy phấn chấn cho người nghe.

Nói về sản phẩm "Heal me" của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: "Từng trải qua sự kiệt quệ và bế tắc về tinh thần, bản thân tôi đã dùng âm nhạc để tự chữa cho mình. Vốn là người lạc quan, tích cực, tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân lại gục ngã. Và lúc đó tôi nhận ra âm nhạc thật kỳ diệu".

Theo các nhà chuyên môn, trong bối cảnh sức khỏe tinh thần con người được quan tâm, hướng về những giá trị đích thực bên trong, âm nhạc mang cảm xúc đẹp đẽ được tìm kiếm như một liệu pháp chữa lành tâm hồn. Ngành công nghiệp âm nhạc thế giới cũng quay lại xu hướng nhạc retro và những hình thức lưu trữ âm thanh, âm nhạc đầu tiên. Trong đó, chiếc đĩa than với vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp của vòng đĩa quay, của thiết bị hi-end, âm thanh mộc và không gian thưởng lãm riêng làm tăng cảm xúc tích cực, giúp tái tạo sức khỏe tinh thần, đáp ứng mạnh mẽ thị hiếu của công chúng.

Ca sĩ – nhạc sĩ Đình Bảo chia sẻ: "Đến lúc âm nhạc phải thể hiện được hết sứ mệnh của mình là mang đến những điều tốt đẹp, kết nối tâm hồn người viết nhạc và người nghe. Chữa lành đến đâu, chúng ta không bàn đến nhưng chắc chắn nghe nhạc để vui, lạc quan hơn chứ không phải sầu não, ủy mị".

Nhạc sĩ Quốc Bảo tiết lộ: "Tôi đã có 1.000 ca khúc và giờ đây, tôi muốn làm mới chính mình bằng một định hướng khác. Một thể loại âm nhạc mang tính trị liệu, chữa lành nhiều hơn". 

Theo nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, âm nhạc trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống, có sức ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như tinh thần của mọi người; đặc biệt, âm nhạc trị liệu là vùng đất tiềm năng để các nhạc sĩ dấn thân.

Theo Thùy Trang/NLĐO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)