Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Âm nhạc từ… răng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Người có cách chơi đàn độc chiêu nhất nước ta – chơi đàn bằng răng

Đối với ông, âm nhạc ban đầu chỉ là niềm vui cho cuộc sống. Dần dần nó trở thành “cần câu cơm” và hơn nữa, nó đã giúp ông ghi tên mình vào sách kỉ lục Guiness với danh hiệu “Người duy nhất tại VN có cách chơi ghi ta khác thường”.
Tàn nhưng không phế
Ông Lưu Văn Dự sinh năm 1949 tại TP.HCM. Được sinh ra với thân hình lành lặn, bình thường như bao đứa trẻ khác, đến năm lên sáu, một cơn sốt cao đã khiến ông trở thành người tật nguyền. Cậu bé Dự lúc đó sống khép kín, thu mình trong vỏ bọc vô hình trước những lời trêu chọc của chúng bạn. Ông nhớ lại: “Tôi chán nản, mặc cảm và tuyệt vọng với cuộc đời. Nhưng tôi biết mình phải làm gì đó để thoát khỏi cảm giác đó. Và tôi tìm đến âm nhạc, mong sao tâm hồn mình được an ủi”. Không có tiền đi học một lớp cho đàng hoàng, hàng ngày, cậu bé tật nguyền ấy đã học từ sách báo, nghe đài, và tự mình mày mò từng nốt nhạc rồi chơi theo cảm xúc…
Năm 1986, cha mất, thương mẹ một mình vất vả nuôi chín đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, ông đành tạm gác niềm đam mê âm nhạc để đi kiếm tiền phụ gia đình. Rồi ông cũng cởi mở với lòng mình hơn khi nuôi mơ ước được lên sân khấu biểu diễn. “Con theo nghề nhạc làm sao con lên sân khấu được, việc đi đứng khó khăn…”, người mẹ vừa nghe nhắc đến hai từ “sân khấu” đã phản đối. “Suốt thời gian đó, tôi chỉ biết học lén từ người anh là nhạc sĩ của mình và lén lấy cây đàn của ông anh ra đàn. Tôi không nghĩ mình trở thành nhạc sĩ hay ca sĩ. Tôi chỉ hi vọng sau này có thể đi làm kiếm tiền giúp cho mẹ”, ông Dự kể.
Vậy mà chỉ sau một năm miệt mài nỗ lực, ước mơ dùng chính âm nhạc để kiếm tiền của ông đã thành hiện thực. Ông đàn trong một nhà hàng tiệc cưới, thay cho người nhạc sĩ cũ đã đi lính và tử trận. Rồi ông được theo các đoàn hát đi lưu diễn các tỉnh…
Truyền lửa cho mai sau
Cái tên Đoàn Dự là do bạn bè chơi đàn chung đặt riêng cho ông. Ông nhớ lại lời gợi ý từ bạn bè: “Nếu anh đàn răng được thì hay lắm”. Kể từ đó, ông bắt đầu tập đàn ghi ta bằng răng. “Thiệt khổ! Những lần tập đầu tiên, tôi bị sưng môi, chảy máu miệng và tê răng do điện giật hay dây đàn bị đứt bắn vào, rồi ngày đó tôi phải bỏ cơm. Tôi tập được một hai nốt nhạc rồi dần dần đàn được nguyên bài”. Những điều kì diệu đã đến: ông thành công với hai bài hát đầu tiên là Bảy ngày đêm gian khổ Hãy yên lòng mẹ ơi. Cũng từ cái mới đó, ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập “người Việt Nam đầu tiên chơi đàn ghi tabằng răng” rồi được nhiều người biết đến. Các em thiếu nhi thích thú cũng tới nhà ông học nhạc.
Với kinh nghiệm tự học nhạc, ông đã mở một lớp học tại nhà với hơn 10 em. Học sinh đa số là người quen, bà con và bạn bè. Nguyễn Văn Xinh – phụ huynh nói: “Con tôi say mê đàn lắm, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, lấy đâu ra tiền cho nó đi học nhạc. Thầy Dự kêu cứ dẫn tới, thầy sẽ dạy không công”. Ngoài công việc truyền dạy cho các em học đàn tranh, ông còn dạy thêm thanh nhạc, organ, trống… Ông có cách dạy khá đặc biệt. “Có hôm chú tập hát cho bạn Thủy Trúc suốt cả một tiếng đống hồ chỉ vài câu trong bài hát với đàn organ. Với đàn organ thì chú cho các bạn biết ngón một tháng rồi sau đó dạy theo khả năng cảm thụ âm nhạc của từng bạn. Chú nói rằng: “Đừng nóng vội mà nên động viên các em tập hát, tập đàn. Từ từ rồi sửa cho các em sau, con nít thích được nghe ngọt ngào. Nhưng phải luyện cho các em tính chăm chỉ và kiên trì” anh Xinh cho biết thêm. Phạm Minh Nghĩa – lớp 2/4, Trường TH Khải Minh, Q.1, TP.HCM nói: “Con chỉ mới học đàn chỗ thầy Đoàn Dự dạy trong vòng bốn tháng đã có thể vừa chơi đàn, vừa hát, giờ con không cần nhìn vào bàn phím”.
 Một số học trò của ông nay đã được công chúng biết đến như Khắc Triệu (chơi trống nổi tiếng), Đỗ Hạ Thủy Trúc (giải nhì măng non TP năm 2008)…
Ông mơ ước giản dị: “Mong sao tôi có thể lưu giữ và làm kỉ niệm cho cuộc đời một, hai đĩa nhạc tập hợp những bản nhạc do mình đàn”.
Thanh Hưng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)