- 1 Ẩm thực ba miền hội tụ về TP.HCM
Hơn 500 món ngon được chọn lọc, tinh tuyển từ khắp ba miền đất nước sẽ hội tụ về TP.HCM. Đây không chỉ là cơ hội để TP phát triển du lịch ẩm thực mà còn là dịp để tôn vinh, quảng bá ẩm thực Việt đến du khách trong và ngoài nước.

Top món ngon, thức uống đặc sắc
Ẩm thực của Việt Nam phong phú, đa dạng. Mỗi vùng miền đều có những hương vị, cái tên riêng mà nghe qua vừa thấy hấp dẫn vừa tò mò muốn thưởng thức. Tại Lễ hội văn hóa, ẩm thực, món ngon Saigontourist Group 2025 diễn ra tại Khu du lịch Văn Thánh vào cuối tháng 3, người dân và du khách sẽ được thưởng thức những món đặc sản vùng miền. Ẩm thực miền Bắc hấp dẫn với các món bún thang, chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tôm Hồ Tây, bún chả Hà Nội, bánh đa cua cay Hải Phòng, phở chua Lạng Sơn. Miền Trung góp mặt các món cao lầu Hội An, mì Quảng gà trứng gà non; bánh canh Nam Phổ, cơm, bún hến thôn Vĩ, cơm âm phủ – đặc sản hơn 100 năm tuổi nổi tiếng xứ Huế; nhút Thanh Chương xứ Nghệ, cháo canh gạo lứt Quảng Bình; hàu Cồn Cỏ tiến vua (Quảng Trị); bánh xèo thịt vịt, bún thả Phan Thiết. Ẩm thực miền Nam cũng vô cùng phong phú, từ các món ngon đường phố Sài Gòn, hương vị miền Tây sông nước, đặc sản xứ dừa Bến Tre, Tây Ninh đến các món ngon biển đảo Phú Quốc, Côn Đảo.
Không chỉ vậy, nhiều món ăn “độc, lạ” của vùng cao cũng được giới thiệu và phục vụ người dân và du khách. Đó là thịt trâu gác bếp, cá kẹp nướng hồ Ba Bể, lợn bản nướng lá mắc mật, bánh cuốn ngô Cao Bằng. Hay bánh hạt dẻ Trùng Khánh, thắng cố Quản Bạ, lạp bì trâu, pa pỉnh tộp (cá gập nướng than), lợn cắp nách sa lửa lá đùi ếch; heo nướng Tây Nguyên, heo rẫy nướng ống tre, gỏi lá Kon Tum với 60 loại lá, rau rừng.

Đối với những người con xa xứ, lễ hội là dịp để thực khách trải nghiệm các món dân dã, nằm sâu trong cảm thức “hoài niệm” như bánh cuốn “trẹt” (mẹt theo tiếng địa phương), tré Bình Định, nem chợ Huyện, don xào xúc bánh tráng Quảng Ngãi, nem nướng Ninh Hòa, mắt cá tần trái dừa với sâm bố chính Phú Yên, bánh canh hẹ cá dầm Phú Yên, các món ăn vặt Đà Lạt. “Ẩm thực gánh” tại khu chợ quê sẽ phục vụ các món xôi trên xe lưu động, các món chè tại quầy ghế tre.
Điểm hẹn văn hóa
Bên cạnh thưởng thức ẩm thực, người dân và du khách còn được thưởng thức, trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Các hoạt động đều mang đậm văn hóa truyền thống như múa rối nước, quan họ, đờn ca tài tử, múa khỉ Khmer, hát sắc bùa Bến Tre, hô bài chòi, ca Huế, biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên, hò đối đáp. Bên cạnh đó du khách còn được dịp hòa mình vào không gian tràn ngập không khí hội hè mang đậm bản sắc văn hóa dân gian ba miền, trải nghiệm khu chợ vùng cao, thử trang phục các dân tộc vùng cao Đông – Tây Bắc.
Ngoài ra, lễ hội còn níu chân khách với hoạt động làng nghề truyền thống, làm bánh dân gian với hơn 50 loại bánh, trải nghiệm học gói lá, nướng, hấp, chiên bánh cùng nghệ nhân, học làm bún, đan nón, tráng bánh tráng, nướng bánh phồng, nấu rượu, làm bánh phục linh. Khu làng nghề năm nay sẽ được góp thêm hoạt động làm guốc mộc, làm chong chóng giấy, lồng đèn Hội An, trải nghiệm làm hoa giấy cùng các nghệ nhân đến từ làng nghề hoa giấy Thanh Tiên ở cố đô Huế.
![]() Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa (Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM), TP.HCM xác định nền ẩm thực là một động lực tăng trưởng của du lịch bởi thông qua ẩm thực giúp quảng bá một cách hữu hiệu nhất điểm đến của chúng ta. “Chúng tôi đã tập trung xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng các cơ sở dịch vụ ẩm thực của TP.HCM và sẽ chú trọng phát triển sản phẩm du lịch gắn với chủ trương phát triển kinh tế đêm của TP để góp phần nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến TP cũng như tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân”. |
Một điểm nhấn cũng khá thú vị là khu nhà rông Tây Nguyên và không gian thực cảnh “trên bến dưới thuyền”. Tại khu nhà rông Tây Nguyên thường xuyên có các suất biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng do đội nghệ nhân cồng chiêng đến từ Kon Tum thể hiện. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2005. Được thiết kế trên nền bối cảnh không gian mặt nước thơ mộng, hữu tình của Khu du lịch Văn Thánh, tiểu cảnh “trên bến dưới thuyền” sẽ quyến gọi du khách bằng những tiết mục hò đối đáp thiết tha, tình tứ trên hồ của các đôi nam thanh, nữ tú duyên dáng trong trang phục bà ba, khăn rằn cùng hoạt động chợ nổi, hình ảnh đặc trưng của vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Tiểu cảnh này nằm ngay tại vị trí ga Metro phía cổng sau của Khu du lịch Văn Thánh.
Thưởng thức ẩm thực kết hợp hoạt động văn hóa đặc sắc sẽ mang lại trải nghiệm khó quên đối với người dân và du khách khi đến với TP.HCM. Ông Phạm Huy Bình (Chủ tịch Saigontourist Group) cho biết, mỗi món ăn chứa đựng một câu chuyện văn hóa, lịch sử riêng, là kết tinh của tâm huyết, sự sáng tạo của người Việt. “Chúng tôi hy vọng thông qua những món ăn đặc sắc sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng”, ông Bình chia sẻ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)