Sau lần gặp chàng Kim ở mộ Đạm Tiên, Thanh Tâm Tài Nhân nhắc đến cuộc đối thoại của hai chị em: “Chập tối hôm ấy Thúy Kiều nói với Thúy Vân:
– Anh chàng họ Kim kể cũng đa tình, sao mà cũng biết đi viếng mộ Đạm Tiên.
Thúy Vân đáp:
– E rằng không phải đi viếng mộ Đạm Tiên, mà chỉ là đi ngắm hai cô gái.
Thúy Kiều nói:
– Điều ấy cũng có lẽ! Mà chị coi chàng có vẻ phong lưu, đĩnh ngộ, nho nhã khác thường, tất là tay tuấn kiệt!
Thúy Vân nói:
– Chị đã coi chàng vừa ý, sao không gá nghĩa cùng chàng rồi dắt díu em đây cũng được phong quang đôi chút”.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du không nhắc đến những lời đối thoại tầm thường hóa nhân vật. Hai cô gái vốn nết na hiền thục, vốn êm đềm trướng rủ màn che, không thể nào có những lời lẽ, nói năng suồng sã như thế. Các nhân vật rời trang sách của KVKT bước vào Truyện Kiều với một dáng vẻ khác, tâm hồn, cách sống khác. Hãy xem đêm ấy Thúy Kiều thấy gì và nghĩ gì: Kiều từ trở gót trướng hoa/ Mặt trời gác núi chiêng đà thu không/ Gương nga vằng vặc đầy song/ Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân/ Hải đường lả ngọn đông lân/ Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà.
Không thấy Nguyễn Du tả Thúy Vân đâu (chắc cô gái vô tư ấy đã vùi sâu trong giấc ngủ), chỉ có Thúy Kiều lặng ngắm bóng nga. Mà ánh trăng ở đâu để Kiều lặng ngắm? Thì ra cửa sổ phòng Thúy Kiều như hé mở, ánh trăng tràn vào: Gương nga vằng vặc đầy song. Đây là một tín hiệu lạ. Bởi chị em Thúy Kiều có cách gìn giữ nhân cách bằng lối sống trướng rủ màn che, sao bây giờ trăng lại tràn đầy trên song cửa sổ. Chính ánh trăng đẹp đã gợi cảm, đã gợi cho Kiều phải đưa mắt nhìn ngoài cửa sổ, nhìn cuộc sống đang vẫy gọi. Và, Thúy Kiều đã thấy gì? Nàng thấy ánh trăng màu vàng ấy đẹp đẽ, khác thường. Người đọc không hiểu Nguyễn Du viết vàng gieo ngấn nước là màu vàng của trăng hay màu của trăng như màu của vàng đang tràn đầy trên mặt nước. Nếu cụ Nguyễn nói vàng gieo mặt nước, tức màu vàng ấy đã tráng một lớp mỏng trên mặt nước, như vậy cũng đẹp, cũng hấp dẫn. Nhưng ở đây lại vàng gieo ngấn nước, từ ngấn tạo trạng thái không yên tĩnh, một sự xao động nhẹ nhàng. Mà sao mặt nước lại có sự xao động ấy? Phải chăng ánh trăng và mặt nước đang hòa quyện, đang quyến luyến nhau? Gặp chàng trai vào buổi chiều, tối đến thấy mặt nước như vậy, hẳn trong lòng cô gái có gì xốn xang, xao động. Mà không chỉ mặt nước, cái cây mọc trước sân kia cũng đẫm ánh trăng: Cây lồng bóng sân. Trăng và cây hai đối tượng đã là một và để bóng của sự gắn bó thân thiết ấy trên mặt sân. Còn cây hoa hải đường? Sao bây giờ cây ấy cũng lả ngọn lại lả về nhà hàng xóm ở phía đông? (Đông lân – Mạnh Tử có câu: Du đồng lân nhi lâu kỳ xử tử, trèo qua sang nhà láng giềng ở đàng đông để ghẹo con gái người ta). Lại thêm một hình ảnh tình tứ, chuyện con trai con gái đến với nhau. Ngay sau đấy Thúy Kiều lại nhìn thấy giọt sương nhưng thông qua tâm trạng đang xốn xang ấy. Kiều thấy một giọt sương đang bám trên một cành cây (Nguyễn Du gọi là cành xuân, vừa tả cảnh vừa ngụ tình). Nhà thơ Tản Đà cho rằng giọt sương gieo nặng, chữ gieo không “sướng”. Phải là giọt sương chíu nặng. Giọt sương không đủ nặng mà làm ra vẻ nặng làm cành cây la đà!
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)