Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Amazon, Alibaba dồn dập chiêu mộ nhà bán hàng Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Từ đầu năm, hai đại gia thương mại điện tử lớn nhất của Mỹ và Trung Quốc đã rất năng nổ tìm nguồn hàng từ Việt Nam.

Hơn 2.000 người đã đổ về hai hội thảo về bán hàng toàn cầu do Amazon phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại TP HCM và Hà Nội vào cuối tháng 9 vừa qua.

Kể từ tháng 3/2018, Amazon đã có hàng loạt động thái tiếp cận các nhà cung ứng Việt Nam bằng việc kết hợp với VECOM để tổ chức nhiều chương trình đào tạo và hội thảo. Thậm chí, gần đây nhất, Amazon Global Selling còn công bố trang web và trang Facebook chính thức bằng tiếng Việt nhằm xóa bớt khó khăn về rào cản ngôn ngữ cho các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ Việt Nam khi muốn bán hàng trên Amazon.

“Chúng tôi đang thấy có thêm nhiều nhà bán hàng từ Việt Nam hơn, bao gồm các nhà sản xuất, chủ thương hiệu, các công ty khởi nghiệp… Họ đã bắt đầu bán hàng toàn cầu thông qua các thị trường quốc tế của chúng tôi để tiếp cận tới hàng triệu khách hàng tiềm năng trên thế giới", ông Park Joonmo – Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á và Hàn Quốc nói.

Ước khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam có bán hàng trên Amazon. Ảnh: EPA

Ước khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam có bán hàng trên Amazon. Ảnh: EPA

Từng có một số mặt hàng gây sốt như dầu cù là hay phin pha cà phê nhưng theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện chỉ mới có khoảng 200 doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon. So với hàng loạt mặt hàng triển vọng từ nông sản, thực phẩm, đồ nội thất… vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam thì con số này còn khiêm tốn.

“Người bán chỉ cần gửi sản phẩm đến các trung tâm hoàn thiện đơn hàng (FBA) của Amazon. Mọi việc còn lại như lấy hàng, đóng gói, vận chuyển đến người mua ở bất kỳ nơi nào trên thế giới do chúng tôi lo. Việc của người bán là cung cấp sản phẩm độc đáo, thú vị", ông Park Joonmo nói thêm.

Không chỉ triển vọng về nguồn cung, Amazon nhiệt tình chiêu mộ các nhà sản xuất Việt Nam một phần cũng nhờ tâm thế háo hức bán hàng xuyên biên giới của các doanh nghiệp nội địa. 

Không thua kém, Alibaba cũng nhiệt tình hoạt động gần đây. Sau thời gian đến Việt Nam tìm nhà cung ứng cho sàn thương mại điện tử B2B, Alibaba đã chính thức tìm kiếm nhà bán hàng Việt cho trang bán hàng B2C là AliExpress từ cuối tháng 7.

"Việt Nam là điểm đến tuyệt vời, một trong những trung tâm sản xuất đa dạng nhất trên thế giới. Với tăng trưởng tốt qua mỗi năm, đây là điểm đến quan trọng của Alibaba. Chúng tôi muốn mở cánh cửa đến thế giới, đến hơn 200 thị trường khác nhau cho các bạn", ông Yang Ninh – Đại diện AliExpress tuyên bố.

Gian hàng quảng bá của AliExpress tại Leningrad (Nga). Đây cũng là một trong những thị trường mua sắm lớn của nền tảng này. Ảnh: Stolbovsky

Gian hàng quảng bá của AliExpress tại Leningrad (Nga). Đây cũng là một trong những thị trường mua sắm lớn của nền tảng này. Ảnh: Stolbovsky

Không chia sẻ con số chính xác nhưng ông Trần Đình Toản – Phó tổng giám đốc OSB, đơn vị đối tác của Alibaba để kết nối với nhà sản xuất tại Việt Nam cho hay, đã có hàng nghìn doanh nghiệp Việt xuất khẩu qua nền tảng B2B của "đại gia" thương mại điện tử Trung Quốc trong gần một thập niên qua.

Hoạt động của Amazon và Alibaba tại Việt Nam diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 214,02 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. 

Thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành kênh quan trọng cho các nhà xuất khẩu. Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2017 cho biết, 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua các kênh trực tuyến.

Viễn Thông/Vnexpress

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)