Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Amip ăn não người có đáng sợ?

Tạp Chí Giáo Dục

Không nên cho trẻ tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao như ao, hồ… Ảnh: T.L

Chỉ trong một thời gian ngắn, ở Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp bị amip ăn não người tấn công và nhanh chóng tử vong. Điều này khiến cho người dân vô cùng hoang mang.
Một trong hai trường hợp bị amip ăn não người là anh P.V.T (quê ở Phú Yên). Ngày 30-7-2012, anh T. bỗng lên cơn sốt, nhức đầu nên đã tự mua thuốc uống nhưng không khỏi. 22 giờ 40 cùng ngày, anh nhập viện Bệnh viện Gia Định (TP.HCM) rồi chuyển qua Bệnh viện Nhiệt đới. Đến 23 giờ ngày 31-7, bệnh nhân nhiều lần bị ngưng tim đột ngột và tử vong. Trước đó, anh T. đã lặn bắt trai ở hồ nước gần nhà.
Nói không với hồ bơi?
Sau cái chết của anh T., nhiều người dân đã tỏ ra lo lắng bởi thói quen tắm hồ bơi.
Như trường hợp của chị Kiều Băng (35 tuổi) – nhân viên ngân hàng. Trước đây, mỗi tuần chị Kiều Băng đi hồ bơi 3 lần. Chị nói: “Đi bơi vừa là để tập thể dục, vừa để thư giãn”. Thói quen này đã được chị thực hiện gần 10 năm nay. Tuy nhiên, sau khi đọc báo biết được trường hợp của anh T., chị Kiều Băng đã từ bỏ luôn thói quen của mình. “Bệnh tật thì không trừ một ai, mình đi hồ bơi, biết đâu bị amip ăn não người tấn công thì sao. Thôi ở nhà cho an toàn”, chị Kiều Băng tâm sự.
Môn thể thao mà Mạnh Hùng (HS một trường THCS ở Q.3) thích nhất là bơi. Thứ bảy và chủ nhật nào Mạnh Hùng và ba cũng đi bơi ở một hồ bơi gần nhà. Tuy nhiên, từ khi có người tử vong do amip ăn não người thì mẹ em đã cấm hai cha con không được đi hồ bơi nữa. Cũng vì sợ nhiễm amip ăn não người mà chị Mai (Q.1) đã không cho con gái (7 tuổi) tiếp tục học bơi. Trước đó khoảng 2 tuần, chị đã đăng ký cho con gái đi học bơi. Bé Nguyệt Nhi – con chị – chỉ mới đi học bơi được 3 buổi đã phải bỏ ngang…
Tuy nhiên, theo ThS.BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Bệnh viện Nhiệt đới: “Hồ bơi ở TP.HCM luôn được khử trùng bằng clo với nồng độ thích hợp, ký sinh trùng này không thể tồn tại. Vì vậy, người dân có thể bơi lội ở hồ bơi mà không lo lắng bị nhiễm amip ăn não người”.
Không nên quá hoang mang
BS. Mẫn cho biết: “Amip ăn não người là loại ký sinh trùng đơn bào hiếm gặp và có thể tồn tại trong tự nhiên ở ba hình thái: Thể tự dưỡng để bắt thức ăn, thể trùng roi để bơi đi tìm môi trường thuận lợi hơn, thể bào nang (nếu gặp điều kiện khắc nghiệt). Chính vì khả năng biến hình linh hoạt này mà amip ăn não người rất khó bị tiêu diệt và có thể tồn tại dai dẳng ở những nơi ấm và ẩm ướt. Loại amip này thường phát triển mạnh ở những vùng nước ngọt ấm (thích hợp nhất ở nhiệt độ 460C) như ao, hồ, sông vào mùa hè, suối nước nóng, hồ bơi không được vệ sinh sát khuẩn…”.
Tuy nhiên, amip rất hiếm khi xâm nhập vào được cơ thể người. Nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng này là khi nhảy từ trên cao xuống nước, lặn đầu xuống nước hay các hoạt động liên quan đến nước có nguy cơ làm nước xộc mạnh vào mũi. “Bệnh không có khả năng lây từ người sang người, cũng không có khả năng gây thành dịch. Trong vòng 50 năm (từ 1962-2011) tại Mỹ chỉ ghi nhận 123 trường hợp nhiễm. Trung bình mỗi năm chỉ từ 0-8 trường hợp mắc bệnh trong tổng số hàng trăm triệu lượt người bơi ở những nơi có nguy cơ. Amip ăn não người là một bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao (99%) nhưng người dân không nên quá lo lắng”, BS. Mẫn nhấn mạnh.
Để phòng chống nhiễm amip ăn não người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao. Trong khi tắm, bơi ở hồ, ao, suối cần hạn chế tối đa nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để ngập nước, sử dụng kẹp mũi. Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi. Khi phát hiện đau đầu, buồn nôn, nôn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hòa Triều

Bình luận (0)