Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ăn bánh bông lan, gần 500 học sinh vào viện

Tạp Chí Giáo Dục

 

Hỗn loạn

Một học sinh đang được điều trị tại BV quận 9, lúc 17 giờ ngày 22-12

17 giờ 20, chị Nguyễn Thị Minh phụ huynh cháu Bình lớp 3/8, hớt hải đưa con đang trong tình trạng ngất xỉu vào bệnh viện (BV) quận 9, chị cho biết: “Lúc còn tỉnh cháu bảo với tôi là được các cô giáo ở trường cho ăn mực xào với cà ri, ăn với canh cải thịt bằm. Buổi chiều ăn bánh bông lan uống với sữa”. Khoảng 10 phút sau thêm khoảng 50 học sinh được đưa vào viện với tình trạng nôn mửa, tiêu chảy và ngất xỉu. Anh Quang Tùng phụ huynh cháu Trúc Anh học sinh lớp 3/6 tỏ ra bực tức: “Lúc tôi ra chở cháu về thấy cháu ngồi sau cứ ói liên tục. Tôi tưởng cháu bị bệnh gì, về nhà thấy cháu mặt tái xanh. Tôi liền đưa cháu vào BV mới thấy cảnh nhiều phụ huynh khác cũng chạy ngược chạy xuôi như tôi thế này”. Sau đó tại trường rất nhiều học sinh xảy ra tình trạng tương tự và được nhà trường đưa thẳng tới BV. Theo bác sĩ Bùi Văn Hiền, đại diện BV quận 9 cho biết: “Tất cả các bệnh nhân đưa đến đây đều có triệu chứng ói mửa, tiêu chảy, đau bụng, nhiều em bị xỉu… Vì bệnh nhân đến đồng loạt nên BV bị quá tải chúng tôi phải ưu tiên cho các em bị nặng. Và tình trạng báo động khẩn cấp toàn BV, nhiều y, bác sĩ đã tan ca nhưng chúng tôi gọi gấp để phục vụ bệnh nhân, đồng thời BV phải huy động thêm các BV gần kề hỗ trợ như: BV Quân dân Miền Đông, BV Đa khoa Thủ Đức, Trung tâm Y tế dự phòng quận và Trung tâm y tế các phường… Nhiều bệnh nhân bị nặng, chúng tôi đưa lên BV Nhi đồng II và BV Nhi đồng I…” Đến khoảng 21 giờ thì tình trạng được khống chế hoàn toàn, các bệnh nhân bị nặng đã được chuyển lên tuyến trên. Trong khi đó ở ngoài nhiều phụ huynh vẫn tiếp tục đưa con mình vào khám bởi các HS này bị nhẹ hơn do kén ăn.
Đến 8 giờ sáng ngày 23-12 nhiều HS được người nhà đến đón về chăm sóc tại gia, và nhiều em khác vẫn còn nằm tại các BV để theo dõi. Theo thống kê tại các BV và cơ sở y tế vào sáng ngày 23-12 số lượng bệnh nhân nhập viện tại các địa điểm này là gần 500 em. BV
quận 9 tiếp nhận nhiều nhất với 235 em, BV Thủ Đức 173 em, BV Quân dân Miền đông 60 em, Phòng khám đa khoa Bình Thái hơn 76 em, các trung tâm Y tế phường Phước Bình và Phước Long A, Phước Long B cũng hàng chục em được đưa đến. Và có nhiều phụ huynh đưa thẳng con em đến các BV khác để điều trị.
Do đâu?
Theo em Mỹ Hạnh lớp 3/8 (một học sinh vừa xuất viện) thì: “Trưa chúng em được nhà trường cho ăn mực xào cà ri và canh cải với thịt bằm. Xế chiều chúng em ăn bánh bông lan và uống sữa. Sau khi ăn xong, trước giờ tan học khoảng 15 phút em thấy khó chịu, vừa ra cổng thì bị ói. Rồi em được đưa vào đây”. Còn anh Quỳnh có con đang học lớp 3/6, ngồi bên giường bệnh lo lắng: “Cháu nhà tôi chưa biết thế nào, bởi sức khỏe của cháu vốn đã yếu. Cháu được bác sĩ cho lên BV Nhi đồng I điều trị”. Ông Lê Hoài Nam, Trưởng phòng GD-ĐT quận 9 cho hay: “Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến ngộ độc. Nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức khi sự cố xảy ra”. Còn cô Nguyễn Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường thì cả đêm không ngủ, chạy đi chạy lại với nét mặt bần thần: “Chúng tôi luôn rất cẩn trọng trong việc cung cấp thức ăn cho HS nhà trường. Sự cố hy hữu này là điều đáng tiếc. Tôi buồn lắm!”.  
Chiều 23-12, Sở Y tế đã có báo cáo nhanh gửi UBND TP về vụ ngộ độc tại Trường TH Phước Bình, Q.9 xảy ra vào lúc 16 giờ 30 ngày 22-12.
Khoảng 11 giờ ngày 22-12, các em học sinh ăn trưa với các món mực xào cà ri, bắp cải nấu canh với thịt heo, chuối, cam. Đến 14 giờ, các em ăn xế với bánh bông lan của cơ sở Thành Phú địa chỉ 437 Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long B, Q.9; uống sữa tiệt trùng Z dozi do Công ty CP sữa Quốc tế IDP, địa chỉ km 29, quốc lộ 6, Trường Yên – Chương Mỹ – Hà Tây sản xuất (tất cả còn hạn sử dụng). Từ 16 giờ 30 ngày 22-12 đến chiều 23-12 có gần 500 học sinh ngộ độc phải nhập viện và hàng trăm em ngộ độc nhẹ tự điều trị tại nhà.
Tính đến chiều 23-12, còn 59 ca đang tiếp tục điều trị tại BV Đa khoa Thủ Đức (25 ca), BV Dân quân y Miền Đông (34 ca), còn những ca khác đều đã xuất viện.
Sau khi có thông tin về vụ ngộ độc, Sở Y tế đã xuống trường tiến hành cấp cứu, điều tra, thu thập thông tin để tìm nguyên nhân ngộ độc. Qua test nhanh cho thấy 5/6 mẫu dụng cụ nấu ăn của nhà bếp không đạt. Điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy bánh bông lan là nguyên nhân gây ngộ độc. Theo đó, Sở Y tế đã xử phạt cơ sở bánh bông lan theo quy định. Tạm thời niêm phong, đình chỉ lưu hành các loại bánh của cơ sở đã sản xuất cùng thời điểm cung ứng cho nhà trường. Ngoài ra, Sở cũng tiếp tục điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm để tìm tác nhân gây ngộ độc.
Văn Mạnh – Hòa Triều

 

Bình luận (0)