Nghiên cứu mới nhất của Bộ môn Ký sinh trùng trường ĐH Y Hà Nội cho thấy, rau cải xanh có tỷ lệ nhiễm các loại giun sán cao nhất. Hơn nữa, trong thịt bò tái, sán dây chưa bị tiêu diệt dễ dàng vào cơ thể, gây bệnh nguy hiểm cho người.
Tỷ lệ nhiễm giun sán hơn cả rau thủy sinh
PGS.TS Nguyễn Văn Đề – Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng (KST), trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nhóm đã tiến hành nghiên cứu trên 3 tỉnh: Hà Nội, Nam Định, Hòa Bình, mỗi tỉnh hai địa điểm ở thành phố và nông thôn, mỗi địa điểm 330 mẫu rau thuộc 6 loại: rau muống, cải xanh, cần, ngổ, diếp, cải soong.
Kết quả cho thấy, tất cả các loại rau được lấy mẫu đều nhiễm ký sinh trùng.
Tại Nam Định, tỷ lệ này lên tới gần 13%, tại Hà Nội là hơn 5% và Hòa Bình là gần 4%.
Trong đó, nhiễm trứng giun đũa là 2,4%, giun tóc là là 2,2%, nhiễm ấu trùng giun móc/lươn 3,6%, nhiễm trứng sán lá gan nhỏ/sán lá ruột nhỏ là 0,3% (ở nông thôn) và 0,9% (ở thành phố), tỷ lệ nhiễm đơn bào chung 53% và 72,2% trong đó có cả khuẩn E.coli và bào nang amíp.
Khi nhiễm các loại đơn bào này, bệnh dễ chuyển sang thể mạn tính và gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm gan và ápxe gan do amip đe dọa nghiêm trọng tính mạng người bệnh.
Ăn rau cải quấn bò, có nguy cơ mắc bệnh sán dây bò. Ảnh: Trần Hải |
TS Đề lo ngại, rửa rau bằng nước muối, nước ozon, nước sát trùng… cũng chỉ có tác dụng rửa bớt các loại đơn bào, chứ ít có tác dụng với các loại trứng giun sán vì vỏ chúng rất dày.
Thực tế thử nghiệm đã cho thấy, đem ngâm các loại trứng này vào nước muối bão hòa cũng không diệt được. Hơn nữa, sán lá gan lớn, chui ở trong cọng rau thì không có cách nào rửa sạch được. Vì vậy, nếu người dân sử dụng các loại rau này để ăn sống thì nguy cơ bị ỉa chảy và mắc ký sinh trùng rất cao.
Nguy hiểm khi các loại giun sán kết hợp
Nguy hiểm khi các loại giun sán kết hợp
TS Nguyễn Văn Đề cảnh báo, việc ăn rau sống, có thể khiến một người nuôi nợ một lúc 4 – 5 loại giun khác nhau trong cơ thể. Nếu ăn rau cải quấn bò, không chỉ có nguy cơ mắc các loại giun sán trên mà nguy cơ mắc bệnh sán dây bò rất lớn.
Trước đây, loài sán này gần như không có, nhưng nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ nhiễm sán dây bò ở cộng đồng rất cao như có xã ở Tuyên Quang có 150 nhân khẩu thì có tới 40 người nhiễm sán dây hay tại xã Đak Mon, huyện ĐakGlei, tỉnh Kon Tum xét nghiệm phân cho 461 người đã phát hiện 72/461 người nhiễm sán dây bò, chiếm tỷ lệ 15,61%.
Loài sán này có thể sống trong cơ thể người 50 – 60 năm, chủ yếu ở trong ruột, đôi khi có trong cơ, trong não, mắt…
Người bị sán dây thường bị đầy bụng, đau vùng rốn, dần dần thấy yếu mệt, chóng mặt, hoa mắt, đau đầu suy dinh dưỡng do sán chiếm dụng thức ăn. Việc điều trị sán dây rất nan giải, đôi khi cả tháng cũng chưa hết.
Trong quá trình điều trị phải có sự theo dõi chặt chẽ, sát sao của thầy thuốc vì phản ứng của thuốc có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Do đó, người dân không nên ăn thịt trâu, thịt bò còn sống hoặc chưa được đun nấu chín và cũng không nên ăn các loại rau sống vì cơ hội bị nhiễm bệnh sán dây là điều không thể tránh khỏi.
Với rau cải xanh, trong 55 mẫu có 10 mẫu dương tính KST, trong đó 2 nhiễm giun đũa, 1 nhiễm giun tóc, 4 mẫu nhiễm giun móc và 2 nhiễm angios trongylus, một mẫu nhiễm sán lá gan nhỏ. Kết quả xét nghiệm đơn bào thì các loài rau đều có nhiễm đơn bào, với tỷ lệ chung là 72,6%, trong đó nhiễm E.coli là 9,4%, Cryptosporidiun 35,2%… |
Thúy Nga/ Bee.net
Bình luận (0)