Ngày càng có nhiều người ăn chay để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: I.T |
Việc ăn chay không chỉ để thanh lọc cơ thể, cải thiện tinh thần mà còn giúp chúng ta bảo vệ, duy trì sức khỏe.
Hướng đến thực phẩm tự nhiên
Đều đặn tối thứ bảy hàng tuần, chị Phương Thảo cùng nhóm bạn thường rủ nhau tới một quán ăn nhỏ trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh – TP.HCM thưởng thức các món chay. Ban đầu, nhóm của chị chỉ mong tìm được một không gian thích hợp để mọi người có thể cùng nhau chia sẻ mọi căng thẳng của công việc trong tuần. Thế nhưng, sau một khoảng thời gian ăn chay, chị và các bạn nhận thấy việc ăn chay giúp bụng của mình cảm thấy dễ chịu hơn ăn mặn. Từ đó đến nay, các chị luôn đều đặn ăn chay. Riêng chị Thảo, mỗi tuần còn mua các món chay được chế biến sẵn về cho cả gia đình cùng thưởng thức. “Sau 4 tháng xen kẽ lịch ăn chay đều đặn, ông xã tôi đã giảm cân rõ rệt, từ 70kg, nay anh còn 60kg” – chị Thảo cười cho hay.
Ngọc Lan (sinh viên năm 2 Trường ĐH Nông lâm) ý thức được thói quen hảo ngọt của mình khiến cơ thể có nguy cơ béo phì và dễ mắc bệnh tiểu đường nên cô liền thiết lập một chế độ dinh dưỡng thích hợp, hạn chế đồ ngọt, kết hợp một tuần ăn chay một lần. Là sinh viên, tự túc trong việc nấu ăn, bữa ăn hàng ngày không cầu kỳ lắm nên các món chay của Lan cũng khá đơn giản. Cô bạn thường nấu các món chay đảm bảo tiêu chí nhanh gọn như rau cải luộc, đậu hũ chiên kèm nước tương hay các món xào. Sau 1 năm vừa kết hợp ăn mặn và ăn chay, các món ngọt đối với Lan không còn hấp dẫn như xưa. “Em cảm thấy tâm hồn thanh tịnh hơn, đầu óc ít căng thẳng, da dẻ ngày càng đẹp ra”, Lan chia sẻ.
Đồ chay là nguồn thực phẩm tươi sống từ tự nhiên, chứa nhiều chất xơ, ít cholesterol rất tốt cho sức khỏe và hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư, đột quỵ, cao huyết áp, béo phì, tiểu đường… Cảm giác no bụng sẽ nhanh đến với người ăn chay, bởi các món ăn thường ít năng lượng, chất béo và chứa nhiều chất xơ, nhờ tác dụng này mà các món chay ngày càng được nhiều người ưa thích.
Ăn chay làm sao cho đúng?
Cũng như Ngọc Lan, xu hướng ăn chay ngày càng lan rộng trong giới sinh viên. Các món chay được các bạn chế biến xoay quanh rau củ luộc kèm theo nước tương chấm hay đậu hũ chiên. Thế nhưng, ăn chay không chỉ là những món rau củ kèm theo nước tương là đủ, việc ăn chay còn đòi hỏi phải cân bằng dinh dưỡng giữa các nhóm chất để đảm bảo nguồn năng lượng, các vi chất cần thiết cho cơ thể. “Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc, các loại hạt giàu axit béo Omega-3, Omega-6 và axit béo bão hòa (dầu đậu nành, dầu cải, dầu gấc…) là điều cần thiết; nhưng việc chọn lựa, phối hợp thực phẩm và bổ sung vitamin, chất khoáng một cách hợp lý để không bị thiếu acid amin như năng lượng, chất kẽm chất sắt cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, hàm lượng các nhóm chất trong thức ăn chay cần được tính toán cẩn trọng”, bác sĩ Phan Thị Khánh Phương – Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Q.Bình Thạnh cho biết.
Đối chiếu với khung dinh dưỡng chay có thể thấy, không phải ai cũng có thể ăn chay. Bác sĩ Khánh Phương chia sẻ thêm: “Với trẻ đang ở độ tuổi phát triển, cơ thể cần nhiều canxi, đạm cho tạo dáng và khung xương. Phụ nữ mang thai, cần có sắt, đạm, giúp bào thai phát triển, không suy dinh dưỡng. Thế nên, khi hai nhóm này làm quen với các món chay, cần bổ sung thêm canxi, viên sắt, viên kẽm, và các loại vitamin cần thiết. Việc bổ sung thêm năng lượng cho cơ thể bằng các bữa ăn phụ như uống thêm sữa đậu nành, ăn phô mai với bánh mì, cháo đậu với mè, xúp đậu với bánh mì là không thể thiếu”.
Ngọc Trinh
Theo WHO, việc ăn uống khoa học kết hợp với cường độ tập thể thao, hợp lý sẽ giúp giảm 22% nguy cơ gây ra tai biến mạch máu não và 25% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Một khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Anh quốc International Group Ltd cho thấy, từ năm 1998-2003, doanh số bán lẻ thực phẩm chay đã tăng 113%. |
Bình luận (0)