Ung thư hiện vẫn là căn bệnh nan y, chi phí điều trị cao, chất lượng cuộc sống suy giảm sau khi điều trị hóa chất… nên việc phòng bệnh hơn chữa bệnh là rất quan trọng. Một trong những cách phòng bệnh ung thư hiệu quả chính là chế độ ăn uống hợp lý và cân bằng.
Nói theo Đông y, bệnh tật là sự mất cân bằng về âm dương. Đối với bệnh ung thư sự mất cân bằng xảy ra khi có sự phát triển của tế bào theo hướng sinh hoặc tử.
Môi trường nào sinh bệnh?
Một bệnh nhân trong thời gian xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư sẽ có nhiều tác dụng phụ xảy ra làm giảm chất lượng cuộc sống. Để ngăn chặn sự phát triển của bệnh, việc duy trì môi trường có lợi cho sức khỏe là rất cần thiết. Môi trường có lợi là môi trường cân bằng tính acid và tính kiềm (trung tính độ pH = 7.35 – 7,4).
Cuộc sống bận rộn ngày nay kéo chúng ta đến với môi trường acid nhiều hơn. Môi trường acid xuất hiện do lo lắng quá nhiều, làm việc quá sức, ăn nhiều thực phẩm đóng hộp… Môi trường này gây kém chuyển hóa, giảm sức đề kháng, ảnh hưởng đến chức năng cơ thể. Có thể nói các loại thực phẩm như thịt đỏ, mì gói, gạo trắng, đường trắng là môi trường sinh acid nguy hại mà chúng ta vẫn dùng thường ngày.
Môi trường kiềm là môi trường được khuyến khích vì đa số các vi chất có lợi nằm trong các loại rau củ, đậu, rong biển, gạo lứt, trái cây… Các loại thực phẩm sinh kiềm chủ yếu có trong tự nhiên. Như vậy, trong việc ăn uống hằng ngày ta nên dùng thực phẩm sinh kiềm sẽ có lợi hơn cho sức khỏe và đạt hiệu quả trong phòng chống bệnh tật.
Tóm lại, môi trường acid có thể nói là chế độ ăn mặn (thịt, cá, trứng…), môi trường kiềm là chế độ ăn chay (rau củ quả, đậu…). Ngày nay ăn chay được nhiều giới khuyến khích vì ăn chay giúp thanh lọc cơ thể, cân bằng âm dương hòa hợp hơn.
Ăn chay có thể giúp phòng bệnh?
Về mặt dinh dưỡng, ăn chay rất phù hợp với cách ăn trong phòng chống ung thư của Hoa Kỳ. Trong chế độ ăn chay có các ưu điểm như: ít cholesterol, ít axít béo bão hòa, giàu vitamin C, E, beta-caroten, chất chống oxy hóa, nhiều chất xơ giúp hấp thu chất béo chống táo bón. Theo nghiên cứu người ăn chay có chỉ số xơ vữa mạch máu thấp.
Mọi chế độ ăn đều cần đảm bảo đầy đủ nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Chế độ ăn chay đúng sẽ đảm bảo các yêu cầu dinh dưỡng hợp lý 15% chất đạm, 25% chất béo, 65% chất bột, sinh tố, khoáng, vi khoáng, chất xơ, nước…
Cách bổ sung một số chất dinh dưỡng mà người ăn chay thường thiếu hụt như chất sắt: nấm mèo, nấm hương, các loại đậu, mè, rau lá xanh; chất kẽm: củ cải, đậu Hà Lan, ổi, sữa, trứng; iod: muối, rong biển, tảo; canxi: cải thìa, cải xoắn, bông cải xanh, ngũ cốc; vitamin B12 tránh loạn khuẩn đường ruột; vitamin D…
Thạc sĩ – Bác sĩ Quang Vân Hùng (Bệnh viện Y Dược học dân tộc) có lời khuyên đối với việc đảm bảo chất lượng bữa ăn chay: “Chúng ta cần ăn đa dạng, đủ lượng và đủ chất, không ăn quá no. Tốt nhất nên cố gắng ăn đủ bốn nhóm thực phẩm với tối thiểu trên 15 loại thức ăn khác nhau. Trong thực đơn nên có các món ăn hỗn hợp: cơm có thể thêm khoai, bắp, đậu hoặc dùng gạo lứt; canh súp rau; muối đậu, muối mè; chọn nhiều loại quả tráng miệng; nước có thể dùng sữa đậu nành, đậu xanh. Nên hạn chế các món nướng vì nhiệt sẽ phá hủy các phân tử tạo nhiều gốc tự do nguy cơ dẫn đến ung thư tim mạch. Các thực phẩm công nghiệp, đồ hộp chứa nhiều hóa chất cũng là một nguyên nhân dẫn đến ung thư”.
Theo Phụ Nữ
Bình luận (0)