Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ăn ‘chay’ thế nào cho khỏe?

Tạp Chí Giáo Dục

Không kể đến lý do tôn giáo, số người kiêng thịt đã tăng nhanh thấy rõ trên khắp năm châu trong thời gian gần đây.
Chỉ nói riêng ở châu Âu, tỉ lệ người “ăn chay” đã vượt mức 10% trong thập niên vừa qua. Nếu tưởng vì túi tiền eo hẹp thì sai. Món chay bên đó đắt gấp 2-3 lần món mặn.
Người “ăn chay” bên đó được xem như người sành điệu với nghệ thuật thực dưỡng. Tất nhiên đó không là lý do cư dân bên trời Tây bỏ xúc xích, giăm bông.
Phần lớn đã quyết định bỏ thịt phần vì thịt bò, heo, gà vịt, thịt nào cũng không an toàn, nếu không nhiễm khuẩn thì cũng tẩm nội tiết tố, phần vì chất mỡ trong thực phẩm gốc động vật là nguyên nhân của nhiều bệnh chứng nghiêm trọng xuất phát từ tình trạng xơ vữa mạch máu.
Ăn chay, nói chính xác hơn là kiêng thịt mỡ, dù chỉ vài ngày trong tháng, là một trong các phương pháp đơn giản để giải độc cho cơ thể, để bớt gánh nặng cho lá gan, trái thận.
Ăn chay rõ ràng có ích cho sức khỏe. Bằng chứng là cả 3 cơ sở nghiên cứu ở Đức – ĐH Giessen, Viện Nghiên cứu ung thư Heildelberg và Bệnh viện Charite ỏ Berlin – sau khi đúc kết nhiều công trình nghiên cứu, đã cùng khẳng định người ăn chay ít có vấn đề với huyết áp, với chất mỡ trong máu, với tình trạng béo phì và thậm chí ít bị bội nhiễm.
Người ăn chay nhờ đó ít bị ung thư và có tuổi thọ cao hơn. Ngay cả tỉ lệ vướng bệnh Alzheimer cũng thấp hơn ở nhóm đối tượng có nhiều bữa ăn chay từ tuổi ngũ tuần.
Tuy vậy, nhiều người ngại ăn chay vì e thiếu chất đạm. Đúng, nếu khẩu phần quá đơn điệu theo kiểu cơm trắng với nước tương. Ăn chay, ngay cả chay trường, vẫn đủ dưỡng chất nếu:
– Trong bữa ăn có trứng, sữa hay các sản khác phẩm từ sữa;
– Tăng lượng rau quả, mễ cốc và dầu thực vật trong khẩu phần;
– Khẩu phần dồi dào đạm thực vật trong đậu nành, rong biển, hạt bí rợ, hoa hướng dương…, nhất là với đối tượng bị tăng axít uric, thừa axít lactic;
– Không thiếu sinh tố B12 và D nhờ chú trọng các món cải chua và nấm;
– Dùng thuốc đa sinh – khoáng tố nếu có chỉ định của thầy thuốc;
Tuy vậy, tất cả đối tượng có nhu cầu phục hồi hay tăng trưởng cấp bách như thai phụ, người đang cho con bú, trẻ con, thiếu niên, người lao động nặng, người vừa qua cơn bệnh mạn tính… không nên ăn chay trường hoặc nếu ăn chay thì cần được điều trị hỗ trợ qua thầy thuốc chuyên khoa.
Cơ thể con người phải có đầy đủ 3 dưỡng chất cơ bản là đạm, đường và béo. Điều đó không có nghĩa là bắt buộc phải luôn có thịt trên bàn ăn. Không nhất thiết phải chay trường. Nhưng thỉnh thoảng ăn chay vài ngày chính là biện pháp để già néo mà không đứt dây. Linh động bao giờ cũng khéo gấp trăm lần thụ động.
Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
Người lao động

Bình luận (0)