Đây là khuyến cáo của ông Lê Anh Tuấn, GĐ Sở Y tế Hà Nội với người dân 2 phường Vạn Phúc và Phúc La (Tp. Hà Đông). Tại đây, cho đến ngày 6/11, nước mới bắt đầu rút. Hậu quả của đợt ngập úng vừa qua là toàn bộ hệ thống bể chứa của người dân nhiễm bẩn, rác thải, bèo tây nổi lềnh bềnh trên các ngõ ngách. Chỉ lơ là một chút là dịch bệnh, đặc biệt là tiêu chảy có thể xảy ra, ông Tuấn khẳng định.
Hà Nội “mới” vẫn ngập trong nước
17 phường của TP Hà Đông đều chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ lịch sử vừa qua. Hiện tại, các phường Vạn Phúc, Kiến Hưng, Quang Trung, Yết Kiêu… nước vẫn chưa rút hết. Tại 2 phường Vạn Phúc và Phúc La, hàng trăm hộ dân vẫn đang ngập trong nước. Mọi sinh hoạt chưa thể trở lại bình thường...
Mặc dù nước đã rút ở nhiều nơi nhưng làng lụa Vạn Phúc vẫn… chìm trong nước. Những ngày này, phương tiện duy nhất để vào trong làng là thuyền. Nước ngập mênh mông khiến cho trạm y tế phường phải chuyển lên tầng 2 của UBND phường. Chị Nguyễn Thị Hoa, trạm y tế phường Vạn Phúc cho biết: Nước bắt đầu dâng lên từ ngày 31/10, sang ngày 1/11, toàn phường đã chìm trong nước. Tại đây, chỗ cao nhất cũng bị ngập đến nửa dụng chân, còn chỗ thấp nhất thì ngập hơn 1m. Nhiều gia đình phải di chuyển đồ đạc và sang nhà hàng xóm ở nhờ. Những hôm nước lên cao, phương tiện liên lạc duy nhất giữa chính quyền và người dân là chiếc loa truyền thanh. Cán bộ phường và trạm y tế không thể đến từng nhà dân nhưng nếu có vấn đề gì về sức khoẻ có thể liên lạc qua điện thoại để được hướng dẫn xử lý, chị Hoa cho biết.
Bác Đặng Thị Tươi (khối Chiến Thắng, Vạn Phúc) vừa chỉ vào vết tích của đợt ngập úng để lại vừa kể: Tôi đã chứng kiến 2 trận lụt lịch sử vào năm 1971 và 1984 nhưng chưa lần nào lại thấy nước ngập cao như lần này. Nước cao đến giữa tầng 1, mọi sinh hoạt của 8 người trong gia đình diễn ra trên tầng 2. Cũng theo bác Tươi thì nước bắt đầu rút từ ngày 5/11 nhưng để đảm bảo an toàn, cả phường vẫn chưa có điện nên sinh hoạt gặp nhiều khó khăn do nước ở bể ngầm thì nhiễm bẩn mà điện lại không có để bơm nước sạch.
Tại phường Phúc La, đợt lụt vừa qua có 1406/1946 hộ bị ngập trong nước. Chị Đỗ Thị Minh Huyền, Trạm trưởng trạm y tế phường cho biết: Từ ngày 6/11, cán bộ y tế đã đi phát thuốc cho 795 hộ, những hộ còn lại chưa thể tiếp cận được do nước vẫn ngập sâu. Dự kiến ngày 7-8/11, những hộ này sẽ được phát thuốc để khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh.
Tiêu chảy, sốt xuất huyết luôn rình rập
Nước rút để lại trên các ngõ ngách của 2 phường nhiều rác thải. Tại phường Phúc La, bèo tây tràn vào sân nhiều hộ gia đình và khi nước rút được các hộ quét dọn và để rác ra đường. Đâu đó những đống rác thải cao vài chục phân được tập kết trên đường phố bốc mùi khó chịu. Trước thực trạng trên, ông Tuấn đề nghị chính quyền địa phương, trạm y tế phường vận động người dân đựng rác trong túi nilong, buộc chặt để gọn vào một chỗ. Trước khi vận chuyển rác cho chỗ tập kết của Cty môi trường thì cán bộ y tế phải phun Cloramin B khử khuẩn.
Thống kê của 2 trạm y tế cho thấy cho đến thời điểm này chưa có trường hợp nào bị tiêu chảy. Có được kết quả trên là nhờ ý thức người dân tại 2 phường ngập sâu nhất của Hà Đông được nâng cao. Họ đã biết tự bảo vệ sức khoẻ của mình. Tuy nhiên cán bộ y tế phường cần phải tuyên truyền mạnh hơn việc ăn chín, uống sôi, mắc màn khi ngủ để phòng bệnh tiêu chảy và sốt xuất huyết. Đồng thời đề nghị người dân không ăn rau sống bởi những loại rau trên bị ngâm trong nước, rất dễ nhiễm khuẩn, ông Tuấn khuyến cáo. Với các bệnh đau mắt, nước ăn chân, trạm y tế các phường đã phát thuốc cho bà con. Tuy nhiên ông Tuấn cũng lưu ý các bậc cha mẹ cần chú ý, nhắc nhở con trẻ bởi trẻ con thích nghịch nước nên dễ bị ngã, nước ăn chân...
Cũng trong ngày 6/11, đoàn kiểm tra liên ngành của Tp. Hà Nội đã tiến hành hướng dẫn người dân cách xử lý nước nhiễm bẩn. Theo đó, với những bể nước có mùi tốt nhất người dân nên thau bể còn nếu nước có màu nhưng không có mùi thì có thể dùng Cloramin B để khử khuẩn, dùng tạm trong khi chưa bơm được nước sạch. Về lâu dài những bề này cần được thau rửa.
Minh Ngọc
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)