Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ăn chung mâm dễ chung bệnh dạ dày

Tạp Chí Giáo Dục

Trong quá trình điều trị bệnh lý dạ dày – tá tràng, các bác sĩ phát hiện nhiều trường hợp người thân trong cùng gia đình đến khám với biểu hiện khá giống nhau: ăn không tiêu, ợ hơi, đau bụng trên rốn, đầy bụng, hơi thở có mùi hôi… Xét nghiệm thường cho kết quả cả gia đình đều nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).

Những đường lây HP

PGS.TS.BS Trần Thiện Trung, trưởng phòng khám tiêu hoá bệnh viện đại học Y dược TP.HCM cho biết có nhiều đường lây nhiễm vi khuẩn HP: miệng – miệng (qua nước bọt từ đồ dùng vệ sinh cá nhân, hôn trực tiếp, mẹ nhai mớm cơm cho con…); dạ dày – miệng (trào ngược dạ dày – thực quản đưa HP từ dạ dày lên miệng, bám vào mảng cao răng gây lây nhiễm qua đường miệng). “Nguy cơ lây nhiễm cao nhất vẫn là do cách ăn uống chung trong gia đình có người nhiễm HP, mọi người chấm cùng một chén nước mắm hay người bị nhiễm không dùng đũa riêng…”, BS Trung nói.

Khuần HP có thể lây qua cách ăn này. Ảnh: Hồng Thái

Ngoài những đường lây trên, theo TS.BS Lê Thị Hồng Thu, hội Khoa học tiêu hoá Việt Nam, vi khuẩn HP còn có thể lây qua phân người (do không rửa tay sạch sau khi đi tiêu và trước khi ăn; hay qua trung gian côn trùng như ruồi, gián… khi thức ăn không đậy kỹ); nước cũng có thể là trung gian truyền bệnh (HP hiện diện trong nguồn nước ngầm, nước giếng, nước thải chưa qua xử lý)… “Phát hiện khuẩn HP ở mèo cho thấy động vật là một nguồn lây nhiễm”, BS Thu cho biết.

Phòng ngừa là quan trọng nhất

HP được xem là nguyên nhân của nhiều bệnh lý dạ dày – tá tràng, hiện vẫn chưa tìm được vắcxin hữu hiệu. Do đó, đề ra các biện pháp phòng ngừa là hết sức cần thiết. “Nên dọn mỗi người một khẩu phần riêng, hoặc khi ăn lấy riêng mỗi người một chén nước chấm rót vừa đủ. Tập thói quen sử dụng muỗng chung cho từng món; khi ăn chung, gắp thức ăn chung phải trở đầu đũa. Cũng cần lưu ý không ăn rau sống rửa không sạch, tránh dùng nguồn nước ao hồ, sông suối…”, BS Trung nói.

BS Thu lưu ý mọi người cần xử lý các chất thải và phân cho vệ sinh: “Tuyệt đối không dùng phân để bón và tưới cây, tưới rau. Vệ sinh trong nhà trường cũng hết sức lưu ý để tránh lây nhiễm cho trẻ, như không dùng muỗng chung để đút thức ăn cho nhiều cháu, chú ý dọn sạch chất nôn ói từ trẻ. Những chất nôn và nhất là vừa mới nôn ở trẻ em là con đường lây nhiễm HP thường gặp tại học đường. Cần thay đổi thói quen lấy tay thấm nước bọt đếm tiền, lật tài liệu… Rửa tay sạch trước khi ăn. Bỏ thói quen mẹ nhai cơm nát đút cho con”.

Chớ hoang mang

BS Trung cho biết có một số phòng xét nghiệm khi trả kết quả cho người bệnh thường ghi bên cạnh xét nghiệm Helicobacter pylori dương tính dòng chữ “vi trùng làm ung thư bao tử” khiến nhiều bệnh nhân hoang mang: “Nhiễm HP có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng, từ đó có thể là một trong các yếu tố gây ung thư dạ dày nhưng không phải tất cả. Điều này còn tuỳ thuộc các loại gen của vi khuẩn HP và nhiều yếu tố khác như môi trường, di truyền… Có những ung thư dạ dày không do nhiễm HP. Việc kết luận vội vàng cứ nhiễm HP tất sẽ bị ung thư dạ dày là thiếu cơ sở khoa học”.

Thanh Sang

Theo SGTT.VN

Bình luận (0)