Hãy cùng tham khảo một số cách kết hợp đậu phụ với một số loại thực phẩm khác trong chế biến để tạo nên những món ăn ngon và bổ dưỡng cho sức khỏe.
1. Đậu phụ và thịt
Đậu tương được coi là loại “thịt thực vật” và giàu protein nhất trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật nhưng khi chế biến thành đậu phụ, hàm lượng protein cũng mất đi khá nhiều, thành phần amino axit, đơn vị cấu trúc cơ bản tạo thành protein bị phá vỡ. Do đó, nên chế biến đậu phụ với loại thực phẩm có giầu protein như các loại thịt để tăng cường lượng protein cho cơ thể.
2. Đậu phụ và trứng
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong quá trình hấp thu canxi của cơ thể. Đậu phụ chứa nhiều canxi và việc thêm lòng đỏ trứng vào món đậu phụ giúp cho việc bổ sung can-xi cho cơ thể trở nên hiệu quả hơn.
3. Đậu phụ và rong biển
Món ăn này giúp bổ sung hàm lượng I-ốt cho cơ thể.
Đậu phụ có chứa nhiều chất saponin, có tác dụng rất tốt trong việc ngăn chặn quá trình ôxy hóa chất béo, gây ra bệnh xơ vữa động mạch. Nhưng chính chất saponin này lại ngăn cản việc hấp thu I-ốt, lâu ngày có thể dẫn tới việc cơ thể thiếu I-ốt.
Chế biến kết hợp đậu phụ với một số thực phẩm khác như rong biển, tảo biển hoặc các loại hải sản sẽ đảm bảo việc bổ sung lượng I-ốt cần thiết cho cơ thể.
4. Đậu phụ và nấm
Đậu tương rất giàu dinh dưỡng và chất xơ nhưng trong quá trình chế biến đậu tương thành đậu phụ, lượng chất xơ này bị mất đi rất nhiều. Do vậy, ăn đậu phụ thường xuyên cũng có thể gây táo bón.
Các loại nấm và rau quả rất giàu chất xơ nên việc chế biến đậu phụ cùng các loại nấm và rau quả sẽ tạo thành món ăn rất tốt cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, nấm còn có tác dụng tăng sức đề kháng, dự phòng và trị liệu các bệnh tim mạch, làm hạ huyết áp, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư…
Cũng cần lưu ý rằng một số loại rau như: rau bina, rau dền, và các loại rau có lá màu xanh đậm thường chứa hàm lượng axit oxalic cao nên khi chế biến cùng đậu phụ cần luộc qua để hạn chế ảnh hưởng tới sự hấp thu can-xi của cơ thể.
Lan Thu / Dan tri
Theo hsw
Bình luận (0)