Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng hành vi ăn uống không lành mạnh vào ban đêm có thể khiến chúng ta bị giảm năng suất làm việc và dễ bị mất tập trung hơn tại công sở vào hôm sau.
"Lần đầu tiên, chúng tôi đã chứng minh được rằng việc ăn uống lành mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi và hiệu suất tại nơi làm việc", Seonghee "Sophia" Cho, tác giả chính của nghiên cứu và là trợ lý giáo sư chuyên ngành tâm lý học tại Đại học Bang North Carolina (Mỹ) cho biết. "Chúng tôi đã có thể chứng minh một cách tương đối rõ ràng rằng các hành vi liên quan đến sức khỏe khác, chẳng hạn như ngủ và tập thể dục, có ảnh hưởng đến công việc của chúng ta. Nhưng chưa có ai nhận ra tác động ngắn hạn của việc ăn uống không lành mạnh".
Ăn uống lành mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi và hiệu suất tại nơi làm việc.
Về cơ bản, các nhà nghiên cứu đặt ra hai câu hỏi: Hành vi ăn uống không lành mạnh có ảnh hưởng đến công việc của bạn vào ngày hôm sau không? Và, nếu vậy, thì tại sao?
Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã đề nghị 97 viên chức làm việc toàn thời gian ở Hoa Kỳ trả lời một bộ câu hỏi ba lần một ngày trong 10 ngày làm việc liên tục. Trước khi bắt đầu làm việc mỗi ngày, những người tham gia nghiên cứu trả lời các câu hỏi liên quan đến sức khỏe thể chất và cảm xúc của họ. Vào cuối mỗi ngày làm việc, họ lại trả lời các câu hỏi về những gì họ đã làm tại nơi làm việc. Vào buổi tối, trước khi đi ngủ, những người tham gia trả lời các câu hỏi về hành vi ăn uống của họ sau giờ làm việc.
Trong bối cảnh của nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã định nghĩa "ăn uống không lành mạnh" là các trường hợp những người tham gia nghiên cứu cảm thấy họ đã ăn quá nhiều đồ ăn vặt; khi họ cảm thấy bản thân đã ăn hoặc uống quá nhiều; hoặc khi những người tham gia cho biết họ ăn quá nhiều đồ ăn nhẹ vào đêm khuya.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, khi mọi người có các hành vi ăn uống không lành mạnh, thì tỉ lệ các vấn đề thể chất mà những người này gặp phải vào sáng hôm sau cũng sẽ cao hơn. Các vấn đề thể chất đó bao gồm hiện tượng đau đầu, đau bụng và tiêu chảy. Ngoài ra, khi mọi người có các hành vi ăn uống không lành mạnh, họ cũng sẽ gặp những căng thẳng về cảm xúc nhiều hơn vào sáng hôm sau – chẳng hạn như họ có cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ về chế độ ăn uống hôm trước của mình. Ngược lại, những căng thẳng về thể chất và cảm xúc liên quan đến việc ăn uống không lành mạnh lại liên quan đến những thay đổi trong cách mọi người ứng xử tại nơi làm việc suốt cả ngày.
Nhìn chung, khi mọi người cho biết, họ gặp những căng thẳng về thể chất hoặc cảm xúc liên quan đến việc ăn uống không lành mạnh, họ cũng thường có sự suy giảm về "hành vi giúp đỡ người khác" và gia tăng những "hành vi chối bỏ". Hành vi giúp đỡ người khác tại nơi làm việc là những việc bạn làm để giúp đỡ đồng nghiệp của mình và hơn thế nữa, trong khi bạn không nhất thiết phải làm như vậy, chẳng hạn như hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện một nhiệm vụ không thuộc trách nhiệm của bạn. Hành vi chối bỏ tức là bạn tránh va chạm với các công việc ở cơ quan, ngay cả khi bạn đang có mặt tại công sở.
Ăn uống không lành mạnh khiến nhiều người gặp vấn đề về thể chất và cảm xúc.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người có cảm xúc ổn định – tức là những người có khả năng đối phó với căng thẳng tốt hơn vì họ ít gặp biến động về mặt cảm xúc hơn – chịu ít tác động tiêu cực hơn từ các hành vi ăn uống không lành mạnh. Không chỉ ít bị căng thẳng về thể chất hoặc cảm xúc sau khi có các hành vi ăn uống không lành mạnh, hành vi tại nơi làm việc của họ cũng ít có sự biến đổi, ngay cả khi họ cho rằng bản thân đang gặp phải những căng thẳng về thể chất hoặc cảm xúc.
Cho cho biết: "Bài học kinh nghiệm lớn ở đây là giờ đây chúng ta đã biết rằng việc ăn uống không lành mạnh có thể có những ảnh hưởng gần như ngay lập tức đến hiệu quả công việc tại nơi làm việc. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng không phải chỉ có một chế độ ăn uống duy nhất được coi là 'lành mạnh', và việc ăn uống lành mạnh không chỉ là về hàm lượng dinh dưỡng. Điều đó có thể bị ảnh hưởng bởi nhu cầu ăn uống cụ thể của một cá nhân, hoặc thậm chí bởi thời gian và cách họ ăn, chứ không phải chỉ là họ ăn cái gì".
"Các công ty có thể giúp khắc phục vấn đề ăn uống lành mạnh của nhân viên bằng cách quan tâm nhiều hơn đến các nhu cầu và sở thích ăn uống của nhân viên, đồng thời giúp giải quyết những nhu cầu đó, chẳng hạn như cung cấp các dịch vụ ăn uống tại chỗ. Điều này có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên – và, nói cách khác, là hiệu suất làm việc của họ".
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra một loạt các câu hỏi nghiên cứu có thể đi sâu hơn nữa trong tương lai.
"Chúng tôi diễn đạt câu hỏi bằng một biến số gây nhiễu, chúng tôi có thể nắm bắt được cả hành vi ăn uống không lành mạnh và hành vi uống không lành mạnh liên quan đến đồ uống có cồn", Cho tiết lộ.
"Đó là điều mà chúng tôi sẽ muốn khám phá và giới thiệu kết quả nghiên cứu trong tương lai. Và nếu trong nghiên cứu này chúng tôi tập trung vào chế độ ăn uống buổi tối, liệu có thể đào sâu nghiên cứu chế độ ăn của mọi người vào những thời điểm khác trong ngày hay không? Có một số yếu tố của chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta – chẳng hạn như hàm lượng đường hoặc caffeine của thực phẩm. Liệu chế độ ăn uống không lành mạnh có tác động tích cực nào hay không, chẳng hạn như mọi người ăn uống thoải mái để giúp giảm căng thẳng? Đây hứa hẹn sẽ là một lĩnh vực nghiên cứu rất phong phú".
Nghiên cứu "Phong cách sống lành mạnh có quan trọng không? Một nghiên cứu chế độ ăn uống hàng ngày tại nhà và tác động của nó đến hành vi con người tại công sở" được xuất bản trên Tạp chí Tâm lý học Ứng dụng. Sooyeol Kim, Phó Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore là đồng tác giả của nghiên cứu này".
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)