Trẻ em Ấn Độ từ 6 đến 14 tuổi sẽ được đến trường miễn phí |
Tại Ấn Độ, ước tính có khoảng 8-10 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14 không được đi học. Thế nhưng, đạo luật mới có tên “Quyền được học tập” vừa được Chính phủ thông qua sẽ đảm bảo cho tất cả trẻ em nước này được tiếp cận miễn phí với “ánh sáng” giáo dục.
Trẻ em được đến trường
“Tôi muốn đi học!” – Ramesh, một cậu bé 10 tuổi thường len lỏi giữa dòng xe cộ tại các ngã tư đường để bán những chuỗi dây chuyền thổ lộ. Nhưng bà Sunita – mẹ cậu nói gia đình hiện sống trong một khu ổ chuột và rất nghèo nên việc Ramesh đi học đồng nghĩa với việc cả nhà mất đi một nguồn thu nhập.
Tại Ấn Độ, vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó – thay vì được đi học, nhiều em nhỏ phải đi làm để góp phần ít ỏi trang trải chi tiêu cho gia đình. Vì vậy, trong một số trường hợp, cha mẹ thường tiết kiệm “nụ cười” khi gửi con cái đến trường. Thậm chí nhiều người sống ở vùng nông thôn từ chối cho con mình đi học.
Cuối tháng 3, một đạo luật mới do Thủ tướng Manmohan Singh ban hành cam kết cho tất cả trẻ em “không phân biệt giới tính và đẳng cấp xã hội” tiếp cận với nền giáo dục. Theo đó, đạo luật sẽ cung cấp hệ giáo dục tiểu học miễn phí cho trẻ em từ 6 đến 14 tuổi, dự kiến với chi phí hơn 35 tỉ USD trong vòng 5 năm. Thủ tướng Manmohan Singh hứa hẹn sẽ có đủ ngân quỹ để đảm bảo đạo luật. Theo đó, Chính phủ sẽ hợp tác với các tiểu bang để tài chính không phải là vấn đề cản trở việc thi hành quyền được học tập của trẻ em Ấn. Thủ tướng Singh – vốn lớn lên từ một vùng nông thôn, cố gắng học tập và theo đuổi học vị tiến sĩ kinh tế tại Trường Đại học Cambridge (Anh) nhớ lại câu chuyện của mình để nhấn mạnh tầm quan trọng việc phải đưa tất cả trẻ em đến trường: “Tôi sinh ra trong một gia đình có mức sống khiêm tốn. Tuổi thơ tôi phải cố gắng đi bộ một quãng đường dài để đến trường. Tôi đọc sách dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu. Nhưng những gì tôi có hôm nay là nhờ vào giáo dục. Tôi mong muốn mỗi trẻ em Ấn, dù là gái hay trai cũng sẽ được dạy dỗ và tiếp xúc với “ánh sáng” giáo dục”.
Còn ông Pranab Mukherjee, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “Giáo dục đóng vai trò như một lực lượng đấu tranh để giải phóng đói nghèo và giải thoát các trở ngại tăng trưởng kinh tế. Nó còn là công cụ hiệu quả để đảm bảo vấn đề công bằng xã hội”.
Với đạo luật này, nhiều nhà giáo dục tin rằng Ấn Độ – quốc gia đứng thứ hai về dân số đang đánh dấu một thời điểm lịch sử cho trẻ em nước mình.
Nhiều thách thức
Ông Karin Hulshof – đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Ấn Độ nói: “Nhà nước, với sự giúp đỡ của cộng đồng phải có nghĩa vụ pháp lý để thực hiện đạo luật”. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới cũng vừa công bố hai dự án trị giá hơn 1 tỷ USD dành cho Ấn Độ – một trong hai dự án nhằm vận động trẻ em nước này ghi danh vào các trường tiểu học.
Tuy nhiên, Tổ chức Vận động nhân quyền – một mặt ca ngợi hành động của Chính phủ, song họ cũng chỉ ra rằng sẽ có nhiều thách thức khi mà Ấn Độ đang đứng đầu thế giới về quốc gia có dân số trẻ. Chỉ 64% người dân biết viết, biết đọc. Kinh tế đã quyết định một phần vào chất lượng giáo dục, nhưng với một phần ba dân số tuổi dưới 15 thì dù kinh tế có bùng nổ, nhiều người vẫn còn nghèo.
Một thách thức nữa là làm sao có đủ giáo viên và các phương tiện hỗ trợ giảng dạy, nhất là các vùng nông thôn. Ước tính cần phải có hơn một triệu giáo viên cho việc thực thi điều luật này. Bà Shireen Miller, Giám đốc Tổ chức Vận động chính sách tiết kiệm cho trẻ em ở New Delhi, trích dẫn về một ngôi làng ở bang Rajasthan mà bà vừa viếng thăm để làm nổi bật các vấn đề mà trường học đang đối mặt: “Ở đó có một ngôi trường đang xây dựng nhưng lại không đủ giáo viên. Tài liệu giảng dạy cũng không có. Người dân phàn nàn rằng, ngay cả khi có giáo viên thì họ cũng không thực sự làm công tác giảng dạy. Vậy nên, vấn đề quan trọng là phải có đủ giáo viên chất lượng”. Còn Bộ trưởng Bộ Giáo dục Madhya Pradesh nói thẳng thừng: “Ấn Độ là một trong những quốc gia nghèo nhất. Chúng tôi không có cơ sở hạ tầng để thực hiện đạo luật”.
(Theo Thehindu.com)
Yên Nhạn
Bình luận (0)