Ấn Độ tăng gấp đôi chi tiêu cho nghiên cứu khoa học công nghệ
|
Chính phủ Ấn Độ khẳng định sẽ chi tiêu gấp đôi ngân sách cho việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong vòng 5 năm tới. Đây là một nỗ lực nhằm theo kịp các quốc gia hàng đầu về công nghệ như Mỹ, Trung Quốc hay Brazil.
Theo đó, Chính phủ nước này sẽ cung cấp hàng loạt học bổng nhằm “giữ lại” một sự suy giảm đáng báo động trong chọn lựa học tập các môn khoa học thuần túy, khoa học ứng dụng của học sinh. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn tăng ngân sách gấp 5 lần so với hiện tại để tạo học bổng cho những ai đeo đuổi văn bằng tiến sĩ. Riêng Bộ Khoa học và Công nghệ dành đến 340 triệu USD để tạo học bổng, tức chiếm 0,6% tổng sản phẩm cả nước. Động thái này nhằm thu hút các sinh viên giỏi nhất vào nghiên cứu khoa học công nghệ và làm cho Ấn Độ trở thành một trung tâm của sự đổi mới, đột phá về lĩnh vực này. Hơn nữa, Chính phủ cũng mong muốn thông qua nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ sẽ tìm ra nhiều giải pháp khắc phục những vấn đề tồn đọng, khó khăn mà nước này đang đối mặt.
“Là quốc gia có nền kinh tế phát triển đứng thứ ba trên thế giới, để cạnh tranh và không bị tụt hạng, Ấn Độ cần phải tăng cường phân bổ hơn nữa cho nghiên cứu khoa học. Nhưng trước hết, nghiên cứu khoa học phải giải quyết được các vấn đề như làm thế nào để đảm bảo vệ sinh môi trường hay chăm sóc sức khỏe con người được tốt hơn”, ông Ashwani Kumar – Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho biết. Theo Bộ trưởng Kumar, Ấn Độ cần phải làm mọi cách để tăng số lượng người có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới (OECD) công bố, Ấn Độ chỉ có 119 nhà nghiên cứu tính trên 1 triệu người dân, trong khi con số này ở Trung Quốc là 1.564 người, ở Anh là 2.704, Mỹ với 4.605 và 6.807 tại Iceland. Ngay cả con số các nhà nghiên cứu có việc làm đúng nghĩa của một nhà nghiên cứu khoa học tính trên 1.000 người, Ấn Độ cũng chỉ có 24 người, so với Trung Quốc là 115, Nhật Bản với 131 và 324 tại Mỹ. Đó là điều khiến Chính phủ lo ngại và nhiều lần nhấn mạnh đến sự thất vọng của mình. “Chúng ta cần phải thúc đẩy nghiên cứu vì một đất nước muốn phát triển rất cần các giải pháp và thông tin khoa học phục vụ mọi lĩnh vực, như khoa học vật liệu, công nghệ sinh học, y tế, hóa chất, nghiên cứu không gian và hạt nhân…”, ông Kumar nói. Bản thân ngài Bộ trưởng Bộ Phát triển Nguồn nhân lực Kapil Sibal cũng chỉ ra rằng chất lượng nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong hệ thống các trường đại học Ấn Độ là “không đáng kể”.
“Người Trung Quốc đang nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Họ đầu tư tài trợ cho việc nghiên cứu tại các trường đại học rất hào phóng. Họ thu hút lực lượng giảng viên tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới và đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với các trường đại học hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Ấn Độ đang… thua xa điểm này. Thậm chí nếu phải cạnh tranh, việc đầu tiên chúng ta cần làm là phải xây dựng một cơ sở hạ tầng tốt, sau đó mới nói đến tập trung nhân lực”, giáo sư Yash Pal – Hiệu trưởng Trường Đại học Jawaharlal Nehru so sánh. Thực tế, lĩnh vực công nghệ sinh học của Ấn Độ đã đổi mới và phát triển đáng kể, thể hiện ở chỗ có đến 50 trung tâm nghiên cứu sinh học xuất sắc trên toàn quốc. Trong năm 2008, Chính phủ cũng đã phát động phong trào nghiên cứu khoa học, cung cấp 10.000 suất học bổng cho thanh thiếu niên ở độ tuổi 17 đến 22 và 1.000 học bổng tiến sĩ cho các nghiên cứu sinh ở độ tuổi 22 đến 27.
Giáo sư Deepak Pental – nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Delhi nói: “Trong một thời gian dài, chúng ta đã “lãng quên và bỏ qua” vấn đề nghiên cứu khoa học của sinh viên. Do đó, số lượng học sinh đăng ký vào lĩnh vực này ngày càng giảm”. Khi ông Pental còn đương nhiệm chức Phó hiệu trưởng, Trường Đại học Delhi được xem là nơi có phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm hàng đầu của Ấn Độ. Sinh viên của ông rất xuất sắc trong nghiên cứu công nghệ nano, phát hiện phân tử vật lý và đưa ra các nguyên lý trong lĩnh vực sinh học. Vì vậy, không chỉ Pental mà các giáo sư, giảng viên Ấn Độ rất hoan nghênh động thái của Chính phủ, khi tăng gấp đôi chi tiêu cho nghiên cứu và tìm mọi cách thu hút một lực lượng đông đảo học sinh, sinh viên theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ.
(Theo The Universityworldnews)
Ngân Du
Bình luận (0)