Hội nhậpThế giới 24h

Ấn Độ chuyển giao chức Chủ tịch G20 cho Brazil từ 1/12

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa có bài viết đáng chú ý trước thời điểm Ấn Độ chuyển giao chức Chủ tịch G20 cho Brazil vào ngày 1/12 tới.
Ấn Độ chuyển giao chức Chủ tịch G20 cho Brazil từ 1/12 ảnh 1
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Bài viết của Thủ tướng Ấn Độ tóm tắt những thành tựu của G20 trong nhiệm kỳ vừa rồi, đồng thời nhấn mạnh vài điểm nổi bật trong Tuyên bố New Delhi, Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói phương Nam và các vấn đề quan tâm chung.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Hôm nay đánh dấu 365 ngày kể từ khi Ấn Độ đảm nhận chức Chủ tịch G20. Đó là khoảnh khắc để suy ngẫm, tái cam kết và làm trẻ hóa tinh thần của “Vasudhaiva Kutumbakam – Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai”.

Khi chúng tôi đảm nhận trách nhiệm này vào năm ngoái, bối cảnh toàn cầu khi ấy đang đứng trước thách thức nhiều mặt: Sự phục hồi sau đại dịch COVID-19, các mối đe dọa về khí hậu đang rình rập, bất ổn tài chính và khó khăn nợ nần ở các quốc gia đang phát triển, tất cả cùng tồn tại trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang suy giảm. Giữa những xung đột và cạnh tranh đó hợp tác phát triển bị ảnh hưởng đồng thời sự tiến bộ cũng bị cản trở.

Đảm nhận vị trí Chủ tịch G20, Ấn Độ đã tìm cách mang đến cho thế giới một giải pháp để thay thế hiện trạng, chuyển từ phát triển lấy GDP làm trung tâm sang lấy con người làm trung tâm. Ấn Độ muốn nhắc nhở thế giới về những gì đoàn kết chúng ta hơn là những gì chia rẽ chúng ta. Cuối cùng, chúng ta nhận ra đối thoại toàn cầu cần thay đổi – lợi ích của số ít phải nhường chỗ cho khát vọng của số đông. Điều này đòi hỏi một cuộc cải cách cơ bản về chủ nghĩa đa phương như chúng ta đã biết.

Toàn diện, đầy tham vọng, định hướng hành động và quyết đoán – bốn từ này đã xác định cách tiếp cận của chúng tôi với tư cách là chủ tịch G20 và Tuyên bố New Delhi của các lãnh đạo (NDLD) được tất cả các thành viên G20 nhất trí thông qua chính là minh chứng cho cam kết của chúng tôi trong việc thực hiện những nguyên tắc này.

Tính toàn diện là trọng tâm trong nhiệm kỳ Chủ tịch của chúng tôi. Việc đưa Liên minh châu Phi (AU) làm thành viên thường trực của G20 đã đưa 55 quốc gia châu Phi vào diễn đàn, mở rộng tổ chức này tới 80% dân số toàn cầu. Lập trường chủ động này đã thúc đẩy một cuộc đối thoại toàn diện hơn về những thách thức và cơ hội toàn cầu.

Ấn Độ đã tổ chức hai Hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói phương Nam” và việc này đã báo trước bình minh mới của chủ nghĩa đa phương. Ấn Độ đã lồng ghép các mối quan tâm của các nước phương Nam vào các thảo luận quốc tế và đã mở ra một kỷ nguyên trong đó các nước đang phát triển có được vị trí xứng đáng trong việc định hình câu chuyện toàn cầu.

Tính toàn diện cũng truyền tải cách tiếp cận trong nước của Ấn Độ đối với G20, biến nó thành nhiệm kỳ chủ tịch của nhân dân, phù hợp với tư cách nền dân chủ lớn nhất thế giới. Thông qua các sự kiện “Jan Bhagidari” (sự tham gia của người dân), G20 đã tiếp cận được 1,4 tỷ công dân, thu hút tất cả các bang và vùng lãnh thổ liên bang (UT) trở thành đối tác. Và về các yếu tố thực chất, Ấn Độ đã đảm bảo sự chú ý của quốc tế hướng tới các mục tiêu phát triển rộng hơn, phù hợp với nhiệm vụ của G20.

Ở thời điểm trung gian quan trọng của Chương trình nghị sự 2030, Ấn Độ đã đưa ra Kế hoạch hành động G20 – năm 2023 nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), áp dụng cách tiếp cận xuyên suốt, định hướng hành động cho các vấn đề liên quan với nhau, bao gồm y tế, giáo dục, bình đẳng giới và môi trường bền vững.

Một lĩnh vực quan trọng thúc đẩy tiến trình này là Cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số (DPI) mạnh mẽ. Trong lĩnh vực này, Ấn Độ đã đưa ra những khuyến nghị mang tính quyết định và đã tận mắt chứng kiến tác động mang tính cách mạng của những đổi mới kỹ thuật số như Aadhaar, UPI và Digilocker. Thông qua G20, chúng tôi đã thành công hoàn thành kho lưu trữ cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số, một bước tiến đáng kể trong hợp tác công nghệ toàn cầu. Kho lưu trữ này bao gồm hơn 50 cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số (DPI) từ 16 quốc gia và sẽ giúp các nước phương Nam xây dựng, áp dụng và mở rộng quy mô cở sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số để giải phóng sức mạnh của tăng trưởng bao trùm.

Đối với chương trình Một Trái đất, chúng tôi đã đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng và toàn diện nhằm tạo ra sự thay đổi tức thì, lâu dài và công bằng. “Hiệp ước Phát triển Xanh”; trong tuyên bố đã xác định những thách thức trong việc lựa chọn giữa chống nạn đói và bảo vệ hành tinh bằng cách vạch ra một lộ trình toàn diện trong đó việc tuyển dụng và hệ sinh thái sẽ hỗ trợ lẫn nhau, việc tiêu dùng sẽ phải phù hợp với khí hậu và sản xuất phải thân thiện với hành tinh.

Song song với đó, Tuyên bố G20 kêu gọi thực hiện mục tiêu tham vọng tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030. Cùng với việc thành lập Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu và nỗ lực phối hợp thúc đẩy Hydrogen Xanh, tham vọng xây dựng một thế giới xanh hơn, sạch hơn của G20 là không thể phủ nhận. Đây luôn là đặc tính của Ấn Độ và thông qua chiến dịch Lối sống vì sự phát triển bền vững (LiFE), thế giới có thể được hưởng lợi từ những truyền thống bền vững lâu đời của chúng tôi.

Hơn nữa, tuyên bố nhấn mạnh cam kết của chúng tôi đối với công bằng và bình đẳng về khí hậu, kêu gọi những hỗ trợ tài chính và công nghệ thực chất từ các nước phương Bắc (Global North). Lần đầu tiên người ta đã thừa nhận bước nhảy vọt cần thiết về quy mô tài trợ phát triển, chuyển từ hàng tỷ sang hàng nghìn tỷ đô la. G20 thừa nhận rằng các nước đang phát triển cần 5,9 nghìn tỷ USD để hoàn thành khoản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm 2030.

Với yêu cầu về nguồn lực to lớn, G20 nhấn mạnh tầm quan trọng khi có các Ngân hàng Phát triển Đa phương tốt hơn, lớn hơn và hiệu quả hơn. Đồng thời, Ấn Độ đang đóng vai trò dẫn đầu trong các cuộc cải cách của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là tái cơ cấu các cơ quan chính như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhằm đảm bảo một trật tự toàn cầu công bằng hơn.

Bình đẳng giới chiếm vị trí trung tâm trong tuyên bố, với điểm cốt lõi là việc thành lập Nhóm làm việc chuyên trách về Trao quyền cho Phụ nữ vào năm tới. Dự luật dành riêng cho phụ nữ của Ấn Độ năm 2023 trong đó quy định một phần ba số ghế trong Quốc hội Ấn Độ và hội đồng lập pháp tiểu bang sẽ được dành cho phụ nữ chính là hình ảnh thu nhỏ cho cam kết của chúng tôi đối với sự phát triển do phụ nữ lãnh đạo.

Tuyên bố New Delhi thể hiện tinh thần hợp tác mới trong các ưu tiên chính tập trung vào sự gắn kết chính sách, thương mại đáng tin cậy và hành động đầy tham vọng về khí hậu. Điều đáng tự hào là trong nhiệm kỳ chủ tịch của chúng tôi, G20 đã đạt được 87 kết quả và 118 văn kiện đã được thông qua. Đây là một sự gia tăng rõ rệt so với trước đây.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của chúng tôi, Ấn Độ đã dẫn đầu các cuộc thảo luận về các vấn đề địa chính trị và tác động của chúng đối với tăng trưởng cũng như phát triển kinh tế. Chủ nghĩa khủng bố và việc giết hại thường dân một cách vô nghĩa là không thể chấp nhận được và chúng ta phải giải quyết vấn đề này bằng chính sách không khoan nhượng. Chúng ta phải thể hiện chủ nghĩa nhân đạo trước sự thù địch và nhắc lại rằng đây không phải thời đại của chiến tranh.

Tôi rất vui vì trong nhiệm kỳ chủ tịch của chúng tôi, Ấn Độ đã đạt được những điều phi thường: nhiệm kỳ đã hồi sinh chủ nghĩa đa phương, nâng cao tiếng nói của phương Nam, đề cao sự phát triển và đấu tranh để trao quyền cho phụ nữ ở khắp mọi nơi.

Khi bàn giao chức Chủ tịch G20 cho Brazil, chúng tôi đã thực hiện điều đó với niềm tin rằng mỗi bước chúng ta đi vì con người, vì hành tinh này, vì hòa bình và thịnh vượng, sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Mod (Theo Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam)/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)