Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Ấn Độ: Dự luật mới cho giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Ấn Độ mở rộng hợp tác giáo dục với các nước trên thế giới

Tại Ấn Độ, những ai có tham vọng về một văn bằng nước ngoài đã có thể tìm thấy nó ngay tại quốc gia mình. Đây là dự luật mới vừa được Chính phủ nước này thông qua.
Cuộc cách tân giáo dục
Nếu chính sách trước đây, Ấn Độ xem sự thâm nhập của các tổ chức giáo dục nước ngoài như một mối đe dọa đến hệ thống giáo dục của họ thì dự luật mới cho phép những nhà cung cấp giáo dục ngoại quốc được thiết lập các cơ sở đào tạo và một chương trình giáo dục độc lập tại Ấn Độ. Đây là nội dung của dự luật mà nhiều người cho biết sẽ làm đổi thay chất lượng giáo dục Ấn Độ cũng như giảm thiểu lượng du học sinh Ấn tại các nước trên thế giới.
Là một quốc gia có dân số trẻ, Chính phủ Ấn thừa nhận phần lớn hệ thống giáo dục đại học công của họ không đáp ứng được nhu cầu về học tập, nhất là cung cấp một nền giáo dục có chất lượng cho lớp trẻ. Ông Kapil Sibal, Bộ trưởng Bộ Phát triển nguồn nhân lực dự báo: “Trong khoảng 10 năm nữa chúng ta sẽ có ít nhất 40 triệu trẻ em đi học. Vì vậy, cần phải tạo cho các em một cơ sở hạ tầng đẳng cấp”. Kapil Sibal đánh giá cao về dự luật. Ông cho biết: “Đó là một dấu mốc quan trọng! Nó giúp mở rộng sự lựa chọn cho học sinh và tạo ra sự cạnh tranh chất lượng. Đây là một cuộc cách mạng giáo dục – lớn hơn cả cuộc cách mạng viễn thông đang được chờ đợi ở đất nước này”. Hơn nữa, khi các tổ chức giáo dục mở rộng chương trình đào tạo vào Ấn Độ – dự báo sẽ ngăn ngừa tình trạng chảy máu chất xám cho nước này, khi mà sinh viên (SV) của họ đang có xu hướng học tập và làm việc ở nước ngoài ngày càng nhiều.
Thế nhưng, nhiều nhà giáo dục cũng tỏ ý phản đối dự luật. Họ lo lắng về sự cho phép của Chính phủ, việc “cắm rễ” của các trường đại học nước ngoài sẽ làm suy giảm số lượng giảng viên và SV. Vả lại, nhiều tổ chức nước ngoài sẽ không tuân thủ những hạn ngạch nhập học ưu đãi dành cho các dân tộc thiểu số – nhất là SV nghèo như các trường đại học địa phương đã làm. Anwar Ali, Giám đốc Viện quản lý công nghệ Ghaziabad nói: “Chúng ta cần phải có một cơ chế gạn lọc chặt chẽ để đảm bảo rằng chất lượng giáo dục “du nhập” là tốt”.
Thị trường mới
Đối với các tổ chức giáo dục nước ngoài như Anh, Úc, Mỹ, Canada… dự luật đã phá vỡ nhiều trở ngại – Ấn Độ đang trở thành một thị trường đầu tư giáo dục hấp dẫn.
Một số trường đại học tại Mỹ, như Viện Công nghệ Georgia – đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đặt cơ sở tại Ấn Độ, một phần vì mỗi năm Mỹ tiếp nhận đào tạo cho khoảng 100.000 SV nước này, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Riêng Canada, vì lý do thị thực, chỉ có khoảng 4.000 SV Ấn du học mỗi năm, so với con số 100.000 đi Mỹ, 50.000 SV đến Anh và 40.000 SV tới Úc. “Nhưng dự luật mới đã giải quyết được vấn đề này. Bây giờ, các trường đại học Canada có thể đến Ấn Độ và phổ biến một nền giáo dục đẳng cấp quốc tế” – ông Hussain Neemuchwala, thuộc Hội đồng Doanh nghiệp – Giáo dục Ấn-Canada cho biết.
Hiện tại, đã có 26 dự án hợp tác từ Canada và Mỹ với các trường đại học, cao đẳng tại Ấn Độ. Trong số này, có Trường Đại học York ở Toronto (Canada) vừa tổ chức chương trình trao đổi giáo dục thành công. “York vừa bắt đầu chương trình MBA uy tín của mình tại Ấn Độ, thông qua sự phối hợp với Viện Nghiên cứu – Quản lý S.P.Jain ở Mumbai. Theo chương trình này, học viên sẽ hoàn thành năm đầu tiên tại Mumbai, sau đó đến Toronto để kết thúc khóa học”, ông Hussain nói.
Với dự luật này, du học sinh Ấn Độ sẽ giảm được rất nhiều chi phí cho việc theo đuổi một văn bằng nước ngoài – vốn là trở ngại khiến tỉ lệ bỏ học của họ ngày càng cao.
Ngân Du
Với dự luật mới, mỗi năm Ấn Độ có thể tiết kiệm được 7,5 tỉ USD cho việc chi trả các chi phí mà học sinh của họ phải ra nước ngoài để tìm kiếm một nền giáo dục cao hơn.

 

Bình luận (0)