Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Ấn Độ: “Hiệu trưởng trẻ nhất thế giới”

Tạp Chí Giáo Dục

Trường của Babar Ali có 800 học sinh

Hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới không được hưởng nền giáo dục thích đáng do gia đình các em quá nghèo nên không thể cho các em đến trường. Tại Ấn Độ, nam sinh Babar Ali (biết dạy học từ lúc 9 tuổi) với chương trình giáo dục đáng chú ý để giúp thay đổi cuộc sống của hàng trăm trẻ em nghèo. 
Ở tuổi 16, Babar Ali hẳn là hiệu trưởng trẻ nhất thế giới. Em là người chịu trách nhiệm dạy hàng trăm học sinh tại sân phía sau của gia đình em, nơi em mở lớp cho trẻ em nghèo trong làng. Câu chuyện về cậu bé ở Murshidabad, bang Tây Bengal, là một câu chuyện khác thường về ham muốn học hỏi trong số những người nghèo nhất.
Từ một tấm gương vượt khó – học tốt
Ngày của Babar bắt đầu từ sớm. Cậu thức dậy, bận túi bụi với việc vặt trong nhà, rồi nhảy lên chiếc xe kéo tự động đi 10 km đến Trường Raj Govinda, khu vực Tây Bengal. Vài cây số cuối, cậu phải cuốc bộ. 
Trường có hàng trăm học sinh, cả trai lẫn gái. Các lớp học đều ngăn nắp. Có bàn, ghế, bảng đen và các giáo viên đều tận tụy, dạy tốt.
Khi lớp điểm danh lúc 12 giờ, Babar Ali đã ngồi ở giữa trên hàng ghế đầu. Đó là một cậu bé cao, gầy, chịu khó và thông minh trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng. Cậu ghi chép bài cẩn thận. Cậu là một học sinh mẫu mực.
Babar Ali là người đầu tiên trong gia đình được hưởng nền giáo dục đàng hoàng. Cậu nói: “Không dễ cho tôi đi học, bởi nhà ở quá xa. Nhưng thầy cô giáo dạy tốt và tôi thích học. Cha mẹ tôi đều cho rằng tôi phải được hưởng nền giáo dục tốt nhất, nên tại sao tôi có mặt tại trường”.
Trường Raj Govinda là trường công nên miễn phí, tất cả những gì Babar Ali phải trả tiền là may đồng phục, mua sách vở và đi xe kéo. Nhưng điều này vẫn có nghĩa gia đình cậu phải trả khoảng 1.800 rupee (40USD) mỗi năm để cậu đi học. Tại vùng này của Tây Bengal, số tiền không dễ kiếm. Nhiều gia đình nghèo đơn giản không thể cho con đến trường chỉ vì không kiếm đâu ra tiền, dù miễn phí.
Chumki Hajra là một trong những người chưa bao giờ đến trường. Cô 14 tuổi và sống trong một túp lều nhỏ cùng với bà nội. Mỗi sáng, thay vì đến trường, cô rửa chén dĩa và quét dọn nhà cửa cho hàng xóm láng giềng. Cô đã từng làm như vậy từ khi lên năm tuổi. Đổi lại, cô kiếm được 200 rupee (5 USD) hàng tháng. Dù chẳng được bao nhiêu, nhưng gia đình cô rất cần số tiền này. Và có nghĩa cô phải làm việc quần quật mỗi ngày. Nhưng Chumki nay cũng đang đi học, nhờ Babar Ali. Cậu bé 16 tuổi đã giúp Chumki và hàng trăm trẻ em nghèo khác trong làng biết đến cái chữ.
… Trở thành “hiệu trưởng”
Vào 4 giờ mỗi chiều, sau khi Babar Ali từ trường về, một hồi chuông ở nhà cậu gọi trẻ em đến nhà. Chúng ùa qua cửa, vào sân sau nhà, nơi Babar Ali nay làm việc như hiệu trưởng, một ngôi trường không chính thức. Babar Ali giảng bài theo cách y như cậu đã nghe các giáo viên giảng. Một số trẻ ngồi bệt xuống đất, số khác ngồi trên những chiếc ghế dài ọp ẹp, dưới mái che thô sơ, do chúng tự lợp lấy. Babar Ali chỉ mới 9 tuổi khi bắt đầu dạy vài bạn học và coi như một trò chơi. Tất cả bọn chúng háo hức muốn biết cậu đã học được những gì ở trường mỗi sáng.
Hiện nay trường buổi chiều tối của cậu có 800 học sinh, tất cả đều từ những gia đình nghèo, và đều được học miễn phí. Babar Ali kể: “Thoạt đầu tôi chỉ làm như đóng kịch, dạy bạn bè, nhưng rồi tôi nhận thấy những đứa trẻ này sẽ không bao gờ được học đọc và viết nếu không được dạy dỗ đàng hoàng. Chính bổn phận của tôi là phải giáo dục họ, giúp đất nước xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.
Tổng cộng Babar Ali hiện có 10 giáo viên trong “trường”, tất cả, đều giống như cậu, là học sinh đang học trung học, và dạy tự nguyện. Barbar Ali không bắt học sinh phải đóng góp bất cứ thứ gì, ngay cả sách vở và thực phẩm cũng miễn phí, do những nhà tài trợ đóng góp.
Ngồi trên chiếc ghế dài thô kệch, chen chúc với khoảng chục bé gái khác, Chumki Hajra lo ghi chép túi bụi. Việc cô chăm chú học rất dễ nhận ra. Mỗi ngày cô làm việc trong các gia đình ở làng suốt từ 6 giờ sáng đến tận 2 giờ chiều, xong là đến ngay trường của Babar Ali. Bảy giờ tối cô lại trở về để tiếp tục công việc lau chùi dọn rửa.
Ước mơ của Chumki là một ngày kia trở thành y tá, và lớp học của Babar Ali rất có thể biến ước mơ này thành hiện thực.
Trường đã được nhà chức trách địa phương công nhận, giúp tăng tỉ lệ người biết chữ trong khu vực và Babar Ali đã nhận giải thưởng nhờ việc làm của mình.
Những đứa nhỏ nhất theo học ở trường của cậu chỉ 4 hay 5 tuổi, và tất cả bọn chúng chen chúc trong hành lang bé xíu. Chỉ có hai bóng đèn điện tròn cho chút ánh sáng khi lớp học kéo dài tới tối, và chỉ khi nào có điện.
Những ngày mưa, bọn trẻ được Babar Ali cho nghỉ học, chúng lo chạy ùa về nhà mặc kệ mưa lớn. Tám trăm trẻ em nghèo, không thể đi học, nhưng luôn có những hoài bão, ước mơ về tương lai với những gì chúng có thể học qua trường của Babar Ali.
(theo BBC)
Quang Hùng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)