Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Ấn Độ lắp đặt kính thiên văn gương lỏng đầu tiên trên thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Kính viễn vọng ILMT chứa hơn 50 lít thủy ngân, tương đương gần 700 kg, và dự kiến tạo ra 10 – 15 GB dữ liệu mỗi đêm.
Ấn Độ lắp đặt kính viễn vọng gương lỏng đầu tiên trên thế giới chuyên dụng cho thiên văn học tại Đài quan sát Devasthal, bang Uttarakhand, India Times hôm 9/6 đưa tin. Thiết bị mang tên Kính viễn vọng Gương lỏng Quốc tế (ILMT), dự kiến quan sát các tiểu hành tinh, thiên hà, vụ nổ siêu tân tinh, rác vũ trụ và nhiều thiên thể khác.
Mặt gương thủy ngân lỏng được màng mylar mỏng phủ lên.
Ảnh chụp ILMT từ trên cao tại Đài quan sát Devasthal của ARIES cho thấy mặt gương thủy ngân lỏng được màng mylar mỏng phủ lên.
Nằm ở độ cao 2.450m, ILMT được lắp đặt với sự hợp tác của Bỉ, Canada, Ba Lan, Uzbekistan. Chiếc kính do Công ty Cổ phần Hệ thống Quang học và Cơ khí Tiên tiến phối hợp cùng Trung tâm Vũ trụ Liège ở Bỉ thiết kế và chế tạo. Viện Nghiên cứu Khoa học Quan sát Aryabhatta (ARIES) tại Ấn Độ sẽ sở hữu và vận hành thiết bị này.
Đây là kính viễn vọng gương lỏng đầu tiên được chế tạo dành riêng cho thiên văn học và cũng là chiếc duy nhất thuộc loại này đang hoạt động trên thế giới. "Chỉ một số ít kính viễn vọng gương lỏng từng được chế tạo, nhưng chủ yếu dùng cho việc theo dõi vệ tinh hoặc mục đích quân sự", tiến sĩ Kuntal Misra, chuyên gia tại ARIES, cho biết.
"Khác với kính viễn vọng thông thường có thể chỉnh hướng để theo dõi những vật thể nhất định, ILMT sẽ đứng yên. Nó sẽ thực hiện các quan sát và chụp ảnh khu vực thiên đỉnh, nghĩa là vùng trời ngay phía trên. Đây là một kính viễn vọng khảo sát có tiềm năng cao sẽ phát hiện những vật thể mới", Misra nói.
Kính viễn vọng gương lỏng được tạo thành từ các tấm gương với chất lỏng phản xạ, trong trường hợp này là thủy ngân, có khả năng phản xạ ánh sáng cao. Khoảng 50 lít thủy ngân, tương đương gần 700 kg, được đổ vào khoang chứa. Khoang chứa sẽ quay với tốc độ cố định theo trục dọc của ILMT. Quá trình này khiến thủy ngân lan ra như một lớp mỏng trong khoang, tạo thành bề mặt phản xạ hình khối chảo parabol, đóng vai trò giống một tấm gương. Bề mặt này rất lý tưởng cho việc thu thập và tập trung ánh sáng.
Gương thủy ngân của ILMT có đường kính 4 m với khẩu độ f/2 được xác định bằng tốc độ quay. ILMT có khả năng tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ, khoảng 10 – 15 GB mỗi đêm. Kính viễn vọng này dự kiến hoạt động trong 5 năm tới, bắt đầu từ tháng 10/2022.
HT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)