Sinh viên Ấn Độ đang thực hành thí nghiệm. Ảnh: I.T |
Bộ Thương mại Ấn Độ ước tính, mỗi năm, sinh viên (SV) nước này đã rót vào quỹ của các trường đại học (ĐH) ở nước ngoài 4 tỷ USD (khoảng 3,2 tỷ Euro). Theo đó, hiện SV Ấn Độ chọn đi du học ở nước ngoài rất đông, tính ra mỗi năm có tới 85.000 người, chủ yếu là học ở Anh, Úc, Singapore.
Tuần báo Nhìn ra nước ngoài của Ấn Độ ước tính, chỉ cần một nửa trong số đó ở lại học trong nước thì họ đã có thể góp phần xây dựng ra nhiều trường ĐH mới. Đứng trước tình hình đó, Chính phủ Ấn Độ sắp đệ trình lên Quốc hội một đạo luật cho phép các trường ĐH nước ngoài mở chi nhánh tại Ấn độ với những điều kiện chặt chẽ hơn. Trước hết, muốn mở một chi nhánh ở Ấn Độ, một trường ĐH phải đóng một số tiền lệ phí là 12 triệu USD. Ngoài ra, đạo luật này còn quy định, các trường ĐH nước ngoài không được quyền mang về nước số lợi nhuận thu được từ tiền học phí SV đóng, mà chỉ được mang về số lợi nhuận phụ đem lại, ví dụ như tiền tư vấn.
Một trong những vấn đề được nêu ra nếu đạo luật này được đệ trình Quốc hội là: đạo luật này có góp phần cải thiện trình độ ĐH của Ấn Độ không, hay đây chỉ là một cơ hội phân hóa sự giàu – nghèo trong giới SV. SV giàu thì đủ điều kiện học tại các trường ĐH có chất lượng cao ở nước ngoài như Harvard (Mỹ), Oxford (Anh)…; còn SV nghèo chỉ có thể “ráng” ở lại học tại các trường ĐH “nội hóa”. Vì chi phí của những trường ĐH nội địa thấp hơn nên chất lượng giáo dục rõ ràng cũng kém hơn. Nói một cách khác, câu hỏi đặt ra là chính sách toàn diện, dài hơi của các trường ĐH sẽ như thế nào? Các trường ĐH đó có còn tuyển được những SV thuộc mọi tầng lớp xã hội, từ con nhà khá giả có “của ăn của để” đến con nhà nghèo “ăn bữa sáng lo bữa tối” theo kiểu tuyển sinh với các tiêu chuẩn về tài chính và học lực do chính họ đặt ra một cách độc đoán? Về lý thuyết, họ có quyền làm như thế, vì họ có bị ràng buộc gì đâu. Trên thực tế, hiện nay các trường ĐH tư ở Ấn Độ được tự do quyết định lệ phí đăng ký nhập học, và những tiêu chuẩn nhập học như văn bằng, trình độ ngoại ngữ, học phí…, mà thường những khoản này rất cao, con nhà nghèo khó có thể với tới.
Một thực tế là hiện nay, tất cả các nước chậm và đang phát triển trên thế giới đang phải đau đầu để giải quyết mâu thuẫn giữa xã hội hóa giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục. Nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục với những giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện, trang thiết bị tối tân hiện đại, các ký túc xá cho SV đủ tiện nghi, các giảng viên có trình độ uyên bác… thì phải cần có tiền. Mà tiền, chỉ có thể trông mong vào sự đóng góp của những SV thuộc gia đình có khả năng tài chính, tức là những người thuộc tầng lớp trên chiếm số ít trong xã hội. Do đó, mục tiêu xã hội hóa giáo dục ở Ấn Độ rõ ràng không đạt được. Còn nếu xã hội hóa giáo dục một cách thực chất, thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn về tài chinh không thể giải quyết trong một thời gian ngắn.
Một phương châm hay được Ấn Độ thường xuyên nhắc đến là “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Rất đúng! Nhưng cơ chế của chủ trương này như thế nào, thực hiện cơ chế đó ra sao… là cả một vấn đề không đơn giản.
Tình trạng này chắc còn kéo dài, nhất là trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay.
Phan Thanh Quang
(Theo Courrier international)
Bình luận (0)