Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Ấn Độ: Nạn bạo hành học sinh do chính nhà trường gây ra

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học tại Ấn Độ. Ảnh: I.T

Một trường tư ở Ấn độ – Trường La Martiniere ở Calcutta – hiện đang là trung tâm của một “xì-căng-đan” do bị lên án là đối xử thô bạo với học sinh, vi phạm quyền tự do thân thể của học sinh. Đây không phải là một trường hợp riêng lẻ…
“Cha mẹ em không đóng học phí phải không? Vậy thì em ráng ngồi dưới đất lạnh như băng của mùa đông ở New Delhi”. “Em không làm bài phải không, yêu cầu em ra quỳ ở ngoài nắng cho đến khi da bị cháy”… Các hình phạt đó không phải rút ra từ một sách giáo khoa cũ về kỷ luật có từ triều đại Victoria (Nữ hoàng Anh ở Ấn Độ từ 1876 đến 1901) mà nó diễn ra trong những ngôi trường Ấn Độ hiện nay. Các thầy giáo cũng cho rằng các hình phạt kiểu như vậy là bình thường, không có gì đáng làm ầm ĩ lên. Họ nói cũng đúng, vì ở nước này có khi nào quyền của trẻ em là đề tài của một cuộc tranh luận tầm cỡ quốc gia đâu!
Ở Ấn Độ, hai phán quyết – một của Tòa án Tối cao New Delhi năm 2000, và một của Tòa án Tối cao Gujarat năm 2009 – đã quy định rõ ràng những hình phạt xâm phạm thân thể là yếu tố cấu tạo nên tội phạm. Nhưng phải đợi cho đến khi xảy ra cái chết thảm thương ngày 12 tháng 2 vừa rồi của em Rouvanjit Rawla, học sinh lớp 5 của trường tiểu học nổi tiếng Martiniere ở Calcutta, thì cuộc tranh luận mới nổ ra trong dư luận xã hội. (Em Rawla tự tử sau khi bị các thầy giáo đánh đập).
Năm vừa qua các vị phụ huynh đã tỏ rõ nỗi bất bình trước việc tăng học phí ở một số trường ở New Delhi. Các thầy giáo đã đối phó lại bằng cách thực hiện một biện pháp chưa có tiền lệ: trừng phạt học sinh. Ở Trường tư Vishal Bharti, các thầy bắt học sinh ngồi dưới đất giữa mùa đông giá lạnh của tháng 12. Ông Manoj, một phụ huynh tàn tật đã từng bị ngược đãi ở trường, thề rằng sẽ tố cáo những hành động ngược đãi bằng lời nói hay xâm phạm thân thể do các giáo viên ở Trường tư thục St Peter’s Convent School – tọa lạc trong một quận giàu có Vikaspuri ở Delhi thực hiện đối với con của ông. “Trong bất cứ trường hợp nào, không thể chấp nhận việc đánh đập hoặc đối xử tệ hại với trẻ em”, đó là lời khẳng định dứt khoát của người đàn ông còn mang trên mình những vết sẹo của thời mà các giáo viên không gọi ông bằng tên mà gọi bằng đặc điểm tàn tật của ông.
Trên thực tế mọi người không biết nhiều về mức độ của tệ nạn này trước khi có cuộc điều tra tầm quốc gia năm 2007 của Bộ Bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Cuộc điều tra đã vén lên bức màn che giấu các hành động ngược đãi này. Từ chứng cớ của 12.447 trẻ em tuổi từ 15 đến 18 và của 2.449 người lớn từ khắp nơi, cuộc điều tra này đã phát hiện rằng những hình phạt xâm phạm thân thể xảy ra “như cơm bữa” ở trường và ở nhà. Trong ba học sinh thì có hai khẳng định rằng đã từng bị những hình phạt xâm phạm thân thể như bị đánh đập ở nhà trường. Hơn 44,45% người lớn cho rằng các hình phạt đó là cần thiết để đưa trẻ em vào kỷ luật, 25,45% có ý kiến trái lại, và 30,01% không có ý kiến.
Khi vạch ra cho giáo viên các con số thống kê trên, nhiều giáo viên thề thốt rằng họ chưa bao giờ ra tay phạt các em, nhưng ở chốn riêng tư họ thú nhận rằng trên thực tế có khi cũng có tát các em vài cái để “đưa các em về lại con đường thẳng”. Alex Mathew, giáo viên dạy Anh văn ở Trường Trung học Công giáo tư Mont-Saint- Georges ở Kerela (miền Bắc Ấn Độ) lại cho rằng quất học sinh vài roi là điều không có gì lớn lao. “Đau một chút nhưng giúp uốn nắn bọn trẻ. Đâu phải là tra tấn trẻ, mà cũng không phải là cách giáo viên trút nỗi giận của mình. Nhưng nếu giáo viên đánh đập các em để làm nhục chúng, thì hành động đó là điều không có lợi ích gì”, ông Alex Mathew nói.
Trước con số học sinh đông đảo bị đánh đập ở trường, giới chức đã có những giải pháp pháp lý gì để ngăn chặn tình trạng này? Ông Ashok Aggarwal, một quan tòa nổi tiếng đã từng xử nhiều trường vi phạm nhân cách trẻ em, đồng thời cũng là lãnh đạo Hội đồng Quốc gia bảo vệ quyền của trẻ em (HĐQGBVQTE) trong vụ kiện Trường Martiniere, nói: “Chừng nào mà những điều khoản 88 và 89 của Bộ luật Hình sự Ấn Độ cho rằng “một hình phạt do người giám hộ thực hiện vì muốn làm điều tốt cho trẻ em và không nhằm gây ra tử vong” mà không bị loại bỏ, thì giáo viên vẫn tiếp tục được hưởng sự miễn trừ. Luật mới về quyền được hưởng giáo dục và nhiều chỉ thị khác nữa cũng không đủ để ngăn chặn những hành động bạo lực đối với trẻ em. Phải cấp bách tu chính Bộ luật Hình sự”.
Theo bà V.Vasanthi Devi, Giám đốc Học viện Giáo dục Quyền con người, các bậc phụ huynh không thể phàn nàn hoặc lên án được, vì họ còn cho rằng trừng phạt kiểu như thế cũng là giáo dục, và cũng nhờ vậy mà trẻ em mới thành đạt. Bà Shanta Sinha, Chủ tịch HĐQGBVQTE bảo đảm rằng họ đang tiến hành củng cố lập pháp. Đó là một quá trình không phải không có trở ngại. Hệ thống giáo dục của chúng ta (theo lời các nhà báo Ấn Độ) phải dứt khoát một lần cuối quay lưng lại với câu châm ngôn có từ cái thời Nữ hoàng Victoria: “Yêu con cho roi cho vọt” (nguyên văn: Yêu nhiều thì phạt nhiều). Đừng quên rằng ngay ở Vương quốc Anh, nước mà chúng ta thừa hưởng câu giáo huấn đó và một phần tinh thần của đạo đức và pháp luật, họ cũng đã loại bỏ từ lâu cái nguyên lý ấy rồi!
Phan Thanh Quang
(Theo Courrier international số 7-2010)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)