Hội nhậpThế giới 24h

Ấn Độ-Pakistan tìm giải pháp hòa bình cho Kashmir

Tạp Chí Giáo Dục

Bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 68 tại New York, ngày 29/9, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và người đồng cấp Pakistan Nawaz Sharif đã có cuộc hội kiến kéo dài khoảng một giờ nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp tại Kashmir.

Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã cam kết tìm kiếm các giải pháp hạ nhiệt tình hình căng thẳng hiện nay, đồng thời quyết định giao nhiệm vụ cho các quan chức quân đội cấp cao hai nước tìm ra các biện pháp hữu hiệu để nối lại lệnh ngừng bắn tại khu vực Kashmir.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải) và người đồng cấp Pakistan Nawaz Sharif. (Nguồn: dawn.com)

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp trên, theo ông Shivshankar Menon, Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ, hai nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng điều kiện tiên quyết để giải quyết và thúc đẩy mối quan hệ hai nước là cần cải thiện tình hình hiện nay tại khu vực Đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) ở Kashmir.

Cũng tại cuộc gặp, Thủ tướng Pakistan cũng hứa sẽ có “hành động” trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm gây ra vụ tấn công khủng bố tại thành phố Mumbai của Ấn Độ ngày 26/11/2008, làm 166 người thiệt mạng. Hai thủ tướng cũng đã nhận lời mời tới thăm mỗi nước, song chưa ấn định thời điểm cụ thể.

Cuộc gặp giữa lãnh đạo Ấn Độ và Pakistan bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á cùng sở hữu vũ khí hạt nhân này đang gia tăng sau hàng loạt các vụ đấu súng qua biên giới làm nhiều binh sỹ và dân thường thiệt mạng.

Hôm 26/9, một nhóm phiến quân đã tấn công đồn cảnh sát Ấn Độ tại Kashmir làm ít nhất 8 người thiệt mạng. Ngay sau vụ tấn công, Thủ tướng Ấn Độ Singh cho biết, sự việc này không ảnh hưởng tới cuộc đối thoại với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và không thể ngăn cản hai bên giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.

Đáp lại, ông Sharif tuyên bố sẵn sàng ủng hộ giải pháp hòa bình trong tất cả các vấn đề với Ấn Độ, kể cả tranh chấp Kashmir. Ông nói rằng vì việc tăng cường sức mạnh quốc phòng do nghi ngờ lẫn nhau, hai nước đang “lãng phí vô ích các nguồn lực” đáng lẽ phải dành cho việc phát triển kinh tế-xã hội./

(TTXVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)