Ấn Độ đã phóng tàu thăm dò sao Hỏa trong nỗ lực trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đến với hành tinh đỏ.
Xe tự hành thăm dò mặt trăng của Trung Quốc – Ảnh: AFP |
Ngày 5.11, Tổ chức Nghiên cứu phát triển không gian Ấn Độ (ISRO) phóng tên lửa mang tàu thăm dò sao Hỏa từ một trung tâm không gian ở miền nam nước này. 44 phút sau khi tên lửa cất cánh, Chủ tịch ISRO K.Radhakrishnan phát biểu ông “vô cùng hạnh phúc” khi thông báo tên lửa đã đưa tàu thăm dò không người lái mang tên Mangalyaan vào quỹ đạo trái đất, theo AFP. Tàu này có kích cỡ bằng chiếc xe hơi nhỏ, nặng 1,35 tấn. Tuy nhiên, do không đủ sức bay trực tiếp đến quỹ đạo sao Hỏa, tàu Mangalyaan sẽ bay quanh quỹ đạo trái đất trong gần một tháng nhằm đạt tốc độ cần thiết để có thể tiến đến quỹ đạo sao Hỏa. Sau đó, con tàu thăm dò sẽ bắt đầu cuộc hành trình đến sao Hỏa kéo dài đến tận tháng 9.2014. Nếu đến được quỹ đạo sao Hỏa, tàu sẽ thực hiện sứ mệnh thăm dò khoáng sản, bầu khí quyển và bề mặt nơi này. Theo CNN, ISRO hy vọng sẽ nghiên cứu thêm về việc nước biến mất trên sao Hỏa, truy tìm nguồn khí methane, dấu hiệu cho thấy hành tinh này có khả năng duy trì sự sống, cũng như thu thập dữ liệu về hai vệ tinh Phobos và Deimos.
Tuy nhiên, Chủ tịch ISRO K.Radhakrishnan thừa nhận với CNN rằng một trong những thách thức lớn nhất về mặt công nghệ là làm sao để tàu thăm dò đến được quỹ đạo sao Hỏa. Hơn phân nửa các dự án thám hiểm sao Hỏa từ trước đến nay đã thất bại. Chỉ có Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu thành công trong việc đưa tàu đến thăm dò hành tinh đỏ. Do đó, nếu thành công lần này, Ấn Độ sẽ trở thành nước châu Á đầu tiên hoàn thành sứ mệnh thăm dò sao Hỏa với chương trình công nghệ không gian giá thấp. Chi phí cho dự án thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ là 73 triệu USD, thấp hơn nhiều so với con số 455 triệu USD cho tàu khám phá của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ dự kiến sẽ được phóng vào ngày 18.11. Chương trình phóng tàu Mangalyaan được Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh công bố cách đây khoảng 15 tháng, không lâu sau khi Trung Quốc thất bại trong sứ mệnh đưa tàu Huỳnh Hỏa 1 lên quỹ đạo sao Hỏa.
Ấn Độ phóng vệ tinh giám sát trái đất đầu tiên vào năm 1975 và đưa một tàu không người lái lên quỹ đạo quanh mặt trăng vào năm 2008, theo CNN. New Delhi dự kiến sẽ tự phóng tàu có người lái lên mặt trăng vào năm 2016. Tuy nhiên, một số người cho rằng Ấn Độ không nên đổ tiền vào chương trình không gian, giữa lúc nhiều người dân còn nghèo khổ và hơn phân nửa dân số không có nhà vệ sinh. Đáp lại, ISRO khẳng định chương trình không gian của họ hỗ trợ phát triển kinh tế Ấn Độ thông qua các vệ tinh theo dõi thời tiết và nguồn nước hoặc có thể kết nối liên lạc ở vùng xa xôi hẻo lánh.
Trung Quốc khoe xe thăm dò mặt trăng
Ngày 5.11, giới khoa học không gian Trung Quốc bất ngờ trình làng mô hình xe tự hành dùng thăm dò mặt trăng tại một hội chợ ở thành phố Thượng Hải, theo AFP. Xe này được sơn màu vàng, có 6 bánh xe và trang bị các tấm pin mặt trời. Theo Viện Nghiên cứu kỹ thuật không gian Thượng Hải, xe tự hành thứ thiệt sẽ được phóng bởi tên lửa Trường Chinh 3B vào đầu tháng 12.2013 trong chương trình đưa tàu thăm dò lên mặt trăng lần đầu tiên của Trung Quốc.
theo TNO
Bình luận (0)