Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Ấn Độ: Robot thông minh của một học sinh lớp… 12

Tạp Chí Giáo Dục

Mô hình robot thông minh iTalk Robo của cậu học sinh lớp 12 Arjun được tạo hình theo nhân vật robot trong bộ phim WALL-E của Walt Disney

Một con robot có khả năng biểu lộ cảm xúc và biết trả lời các câu hỏi của con người do cậu học sinh 17 tuổi, người Ấn Độ tạo ra được giới khoa học đánh giá rất cao. Trong khi đó, các sinh viên kỹ thuật hàng đầu lại chỉ có thể “cho ra” những ý tưởng thiết kế!
Robot biết tư duy như con người
Nói bằng tiếng Anh nhanh nhảu như người thật, iTalk Robo – tên con robot ba chiều hoạt động thực tế – vừa đoạt Giải thưởng khoa học học sinh của Ấn Độ. Con robot này có thể hiểu được những trạng thái vui vẻ và tức giận của con người nhờ một giải thuật lập trình độc đáo và một bộ công cụ phần mềm do Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nổi tiếng của Mỹ cung cấp.
Tác giả của robot iTalk Robo là Arjun – một học sinh lớp 12 Trường Doon School ở Dehradun, bang Uttarakhand. Nhà khoa học nhí này cho biết: “Robot của tôi có khả năng tiếp nhận và truyền đạt thông tin giống như con người. Về mặt kỹ thuật, cấu tạo chức năng của iTalk Robo dựa theo nguyên tắc hoạt động của cơ thể con người. Nhờ biết diễn dịch các dữ liệu theo cách con người vẫn làm nên iTalk Robo có khả năng phán đoán những cảm xúc của chúng ta”.
Robot của Arjun là một mô hình thông minh, có khả năng tự đề ra các quyết định dựa theo những kinh nghiệm tích lũy trong quá khứ. Theo Arjun, một khi được phát triển đến giai đoạn tiên tiến hơn, iTalk Robo có thể được sử dụng trong những công việc tương tác với con người.

Ngay từ cấp trung học cơ sở, học sinh Ấn Độ đã làm quen với các hoạt động thực hành khoa học – công nghệ

Hiện thời, iTalk Robo biết phân biệt diện mạo con người với độ chính xác đến 97,68% nhờ đôi mắt là hai thấu kính hình ảnh nổi, ẩn đằng sau là một phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Arjun nói: “Một phần mềm phân tích giọng nói chạy bên trong giúp cho robot này phân biệt được cao độ trầm bổng và các mẫu âm của tiếng nói”.
Arjun đã công bố mô hình iTalk Robo trong dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Trường Doon Shool vào tháng 9 vừa qua. Người phụ giúp Arjun chế tạo chú robot này là một học sinh lớp 10 cùng trường, cậu Sookrit Malik. Theo Arjun, bây giờ cậu có dự định đưa robot này đến với những diễn đàn sáng tạo quốc tế để có thể huy động sự hỗ trợ kỹ thuật lớn hơn từ các cơ quan khoa học như Học viện MIT. Cả Arjun và Malik đã đầu tư 70.000 rupee (hơn 1.500 USD) cho dự án robot này. Toàn bộ số tiền trên được Trường Doon School tài trợ.
Chú robot iTalk Robo có ngoại hình giống như robot WALL-E trong một bộ phim hoạt hình viễn tưởng cùng tên của Walt Disney: cao 80cm, hai mắt là hai webcam, miệng là một chiếc loa và chân là một hệ thống truyền động chạy bằng bánh răng. Arjun nói: “Khi gặp một người mới, iTalk Robo sẽ tự tạo một hồ sơ mới và ghi nhận mọi thông tin liên quan. Hồ sơ này sẽ giúp nó thực hiện nhiều nhiệm vụ, chẳng hạn như trò chuyện. Và ngay khi nó ghi nhận được điều gì chưa từng lưu trong hồ sơ dữ liệu của mình, nó sẽ tự kết nối vào mạng internet để thu thập thông tin cần thiết và tự động lưu lại để sử dụng cho những tương tác sau này”.
Khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành
Trong khi cậu học sinh Arjun thành công với dự án robot của mình thì các sinh viên ngành kỹ thuật, kể cả sinh viên các trường đại học hàng đầu như Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), dường như gặp khó khăn trong việc chuyển hóa những kiến thức từ giảng đường trở thành một sản phẩm hoạt động thiết thực. Điều này được thấy rõ qua cuộc thi chế tạo robot sinh viên kéo dài ba ngày ở Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Cơ giới Tác chiến (CVDRE) tại thành phố Chennai, bang Tamil Nadu.

Các đội tuyển sinh viên đại học kỹ thuật thi tài thiết kế robot trong cuộc thi ở Channai do Tổ chức Nghiên cứu & Phát triển Quốc phòng Ấn Độ tổ chức

Cuộc thi này do Tổ chức Nghiên cứu & Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) tổ chức. Theo đó, các sinh viên sẽ phải thiết kế các loại xe tự động vận hành và biết định hướng trên địa hình hiểm trở. Xe được điều khiển bằng cơ chế robot và phải có khả năng thực hiện những thao tác di chuyển phức tạp, đồng thời tránh được các va chạm chướng ngại như con người hay các vật thể khác trong thời gian ngắn nhất.
Sinh viên đến từ 13 trường đại học công nghệ – kỹ thuật của Ấn Độ đã tham gia vào cuộc thi nhưng chẳng có đội nào đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm tra do DRDO đề ra để có thể phát triển thành sản phẩm thực tế. Ông K. Krishnamurthy, nhà khoa học kiêm Phó giám đốc của CVDRE, thành viên Ban giám khảo cho biết: “Có khoảng cách giữa học lực của sinh viên và những gì kỳ vọng của chúng ta vào họ. Họ giỏi về lý thuyết và thiết kế nhưng thiếu kỹ năng thực hành chế tạo sản phẩm”.
Còn ông K. Ramesh, một nhà khoa học khác trong Ban giám khảo cũng khẳng định: “Các sinh viên rất giỏi ở nhiều lĩnh vực nhưng không ai đạt được chỉ tiêu của chúng tôi. Dự án này là chế tạo những loại xe tự hành và đòi hỏi ở nó một khả năng phán đoán thông minh như con người để giúp nó định vị và vượt qua các chướng ngại vật. Nhưng các sinh viên đã không biết vận dụng công nghệ cảm ứng để tạo ra sản phẩm hợp nhất cuối cùng”.
Vì thế tất cả các đội tuyển sinh viên tham gia cuộc thi chỉ nhận được giải khuyến khích đồng hạng. Ông Krishamur-thy nhận định: “Kết quả này cho thấy việc thực hành trong phòng thí nghiệm đang bị sa sút. Chúng tôi đã từng thấy sự cách biệt giữa lý thuyết và thực hành. Nhưng sinh viên có thể nâng cao kỹ năng thực hành khi làm việc cho các cơ quan chuyên môn”.
Bên cạnh đó, ông Ramesh cho hay DRDO có nhiều chương trình liên kết với các đại học để sinh viên có thể tham gia vào dự án thực tiễn. Ông nói: “Sinh viên nào tham gia các chương trình này đều tiến bộ thấy rõ. Còn những trở ngại về thực hành là chuyện thường thấy ở hầu hết các trường đại học”. Tuy nhiên, thay vì phát triển và có được những sản phẩm thực tế từ kết quả cuộc thi robot, DRDO bây giờ chỉ có thể “thu lượm” những ý tưởng hay từ sinh viên, chứ không ai có thể cho ra một tác phẩm robot hoàn chỉnh giống như Arjun – cậu học sinh 17 tuổi.
(TheoThe Hindu.com)
Yên Nhạn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)