Hội nhậpThế giới 24h

Ấn Độ sắp chạy thử tàu ngầm hạt nhân

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Dự kiến trong vài tháng tới Ấn Độ sẽ chạy thử nghiệm tàu ngầm hạt nhân đầu tiên INS Arihant do Ấn Độ chế tạo.
Đài truyền hình Ấn Độ NDTV cho hay tàu ngầm này sẽ gia nhập hải quân trong vòng 18 tháng tới.
Báo The Times of India (Ấn Độ) nêu tính năng của tàu ngầm INS Arihant như sau: Đạt tải trọng 6.000 tấn, vận tốc 44 km/giờ, chở 95 thủy thủ, chạy bằng một lò phản ứng hạt nhân có công suất 83 megawatt, trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và ngư lôi với bốn hầm chứa tên lửa mang 12 tên lửa đạn đạo K-15 hoặc bốn tên lửa đạn đạo K-4 đạt tầm bắn 3.500 km, có khả năng bắn tên lửa từ mặt đất, trên không và trên biển.
Trên thế giới, trừ Ấn Độ chỉ có năm nước gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc có khả năng bắn tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hạt nhân.
Đô đốc Nirmal Vermatiết lộ hải quân Ấn Độ dự kiến năm 2013 sẽ đưa vào sử dụng tám máy bay thám sát hàng hải tầm xa P-8I do hãng Boeing (Mỹ) chế tạo.
Theo báo The Hindu (Ấn Độ), kế hoạch 30 năm xây dựng tàu ngầm đã được Ấn Độ khởi động vào năm 1988. Ấn Độ dự kiến mua sáu tàu ngầm từ phương Tây và Nga. Tàu ngầm đầu tiên Scorpene do Pháp và Tây Ban Nha chế tạo sẽ hoạt động năm 2015. Chiếc thứ sáu sẽ được giao năm 2018.

INS Arihant là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do Ấn Độ chế tạo. Ảnh: BHARAT RAKSHAK
Báo China Daily (Trung Quốc) ngày 8-8 ghi nhận tàu ngầm hạt nhân INS Arihant của Ấn Độ có thể trở thành nguy cơ đe dọa hạt nhân trực tiếp đến Pakistan và Trung Quốc. Báo dẫn lời Viện nghiên cứu Quan hệ chiến lược đương đại Trung Quốc nhận định tàu ngầm INS Arihant là một hình thức răn đe chiến lược. Ngày 8-8, tại cuộc họp báo từ biệt ở New Delhi trước khi rời chức vụ tư lệnh hải quân Ấn Độ vào cuối tháng này, Đô đốc Nirmal Verma khẳng định hải quân sẽ không triển khai tàu chiến ở Thái Bình Dương và biển Đông.
Theo báo Business-Standard (Ấn Độ), ông giải thích khu vực Ấn Độ quan tâm ưu tiên Ấn Độ Dương, kéo dài từ eo biển Malacca đến vùng Vịnh ở phía tây và đến mũi Hảo Vọng ở phía nam.
Đối với Thái Bình Dương và biển Đông, ông cho rằng Ấn Độ quan tâm giảm căng thẳng để không ảnh hưởng xấu đến lưu thông hàng hải toàn cầu.
Ông xác nhận hải quân Ấn Độ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt trong công tác tuần tra chống hải tặc ở Tây Á. Ông bác bỏ viễn ảnh hợp tác hải quân với Mỹ dù Mỹ tuyên bố xem Ấn Độ là đồng minh chủ chốt ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ông thông báo quá trình xây dựng hải quân như sau:
Năm năm qua, hải quân Ấn Độ đã được bổ sung 15 tàu chiến và tàu ngầm hạt nhân INS Chakra (thuê từ Nga), đang đóng 46 tàu chiến (ba chiếc đóng ở Nga) và chuẩn bị đóng thêm 49 tàu chiến ở trong nước và Hàn Quốc.
 Ấn Độ đang xem xét dự án chế tạo sáu tàu ngầm thông thường, mua một tàu ngầm cứu hộ lặn sâu, mời thầu cung cấp bốn tàu đổ bộ chở trực thăng, 16 tàu chống tàu ngầm hoạt động ở vùng biển nông, một tàu khảo sát-huấn luyện, hai tàu hỗ trợ lặn.
Ngày 9-8, Bộ Chỉ huy lực lượng chiến lược Ấn Độ (SFC) sẽ bắn thử tên lửa đạn đạo đất đối đất Agni-II tại đảo Wheeler (bang Odisha). Tên lửa dài 12 m, nặng 17 tấn, đạt tầm bắn 2.500 km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trọng tải một tấn. SFC đã bắn thử nghiệm thành công tên lửa Agni-I đạt tầm bắn 700 km hồi tháng 7 và tên lửa Agni-V đạt tầm bắn 5.000 km hồi tháng 4.
50 tỉ USD là kinh phí tổng thể trong kế hoạch xây dựng hạm đội Ấn Độ. Theo Đô đốc Nirmal Verma, trong năm năm tới, dự kiến hải quân Ấn Độ sẽ tiếp nhận bình quân năm tàu chiến và tàu ngầm.
ĐĂNG KHOA – DUY KHANG (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)