Tình trạng ùn tắc giao thông ở New Delhi xảy ra thường xuyên |
Thành phố New Delhi (Ấn Độ) luôn trong tình trạng giao thông tắc nghẽn với những người lái xe ngang ngược: vượt đèn đỏ, không nhường đường cho người đi bộ và xâm phạm vào làn đường dành riêng cho xe đạp hoặc xe buýt để tìm lối đi. Giờ đây, cảnh sát giao thông (CSGT) của thành phố quá tải này có thêm một vũ khí bất ngờ trong cuộc chiến ngăn chặn lái xe vi phạm pháp luật là Facebook. Tính đến đầu tháng 8-2010 đã có hơn 17.000 người trở thành fan hâm mộ của trang mạng xã hội này và đã đăng tải gần 3.000 bức ảnh, hàng chục video clip về vi phạm Luật ATGT.
Lập diễn đàn về tình trạng vi phạm Luật Giao thông
Từ khi CSGT TP. New Delhi sử dụng trang web Facebook để ngăn chặn các lái xe xem thường pháp luật, ngay lập tức thu được kết quả trực tuyến khá ấn tượng. Bằng cách sử dụng hình ảnh, CSGT New Delhi đã phát hành 665 phiếu phạt theo biển số xe được hiển thị trong các bức ảnh đến các chủ xe với các lỗi như đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, dừng xe giữa lối băng qua đường của khách bộ hành, vừa lái xe vừa dùng điện thoại di động, quay đầu xe sai luật và không đậu xe đúng chỗ.
Mặc dù còn một số lo ngại về sự riêng tư, và tính xác thực của những bức ảnh nhưng phản ứng của công chúng về việc này đa phần là mang ý nghĩa tích cực. Ông Satyendra Garg, ủy viên liên ngành giao thông thành phố cho biết: “Chúng tôi muốn có một diễn đàn, nơi mọi người có thể bày tỏ quan điểm của họ và đề xuất ý kiến”. Với 5.000 CSGT ở thành phố 12 triệu dân này, trang Facebook đóng một vai trò vô cùng quan trọng. “CSGT không thể có mặt ở khắp mọi nơi, còn quy định thì luôn luôn bị phá vỡ”, ông Garg nói thừa nhận, “Nếu mọi người muốn báo cáo về việc vi phạm Luật Giao thông của ai đó, chúng tôi luôn hoan nghênh”. Tuy nhiên, ông nói, các lái xe có thể tranh luận về phiếu phạt nếu họ nghĩ rằng đã bị xử phạt sai.
Sáng kiến được nhiều người ủng hộ
Đây là sáng kiến được nhiều cư dân tại TP. New Delhi ủng hộ nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Giao thông. Ông Vijyant Jain, một nhân viên quản lý nói: “Đây là cách sử dụng tốt các nguồn lực của CSGT” và Jain cho biết ông vừa đăng thông báo trên trang Facebook về một vụ cản trở giao thông. “Trước đây, bất kỳ người lái xe nào, kể cả tôi, trước khi vi phạm Luật Giao thông, đều nhìn xung quanh để xem có CSGT nào đứng gần đó hay không. Còn bây giờ, các lái xe phải thận trọng nhiều hơn bởi vì không chỉ có CSGT là điều duy nhất họ cần lo lắng”.
Tuy nhiên, cũng có một số người chỉ trích rằng phương pháp này có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Ông Gaurav Mishra, giám đốc điều hành của một công ty tư vấn kinh doanh xã hội có trụ sở ở New Delhi cho biết, “Khi bạn bắt đầu sử dụng internet như là cách để Chính phủ kiểm soát công dân của mình, tôi bắt đầu thực sự lo lắng, bởi vì bạn không biết nơi nó sẽ kết thúc”.
Sở dĩ các nhà chức trách tại New Delhi khuyến cáo người dân cung cấp thông tin về vi phạm Luật ATGT trên Facebook một phần vì sự nguy hiểm của mạng lưới giao thông ở Ấn Độ đang ngày càng gia tăng. Ấn Độ có mức tử vong vì giao thông nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và số lượng người lái xe chưa qua đào tạo đã tăng vọt trong những năm gần đây khi tầng lớp trung lưu Ấn Độ phát triển. Tính đến đầu năm 2010, có 6.500.000 xe cơ giới đăng ký tại TP. New Delhi và các chuyên gia đường bộ ở đây ước tính rằng sẽ có thêm khoảng 1.000 xe có động cơ mỗi ngày.
Ông Garg cho biết, CSGT New Delhi hiện có một tổ đặc nhiệm gồm 4 sĩ quan giám sát các trang Facebook 24/24. Ngoài việc kiểm tra vi phạm, họ cũng cung cấp thông tin về ùn tắc giao thông, đưa ra lời khuyên và trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề ATGT.
Ông Garg thừa nhận sự phức tạp khi phát hành phiếu phạt dựa trên bài viết ở trang Facebook. Ví dụ, dân chúng có thể sử dụng trang web để đánh bóng tên tuổi. Tuy nhiên, ông nói, phản ứng cho đến nay là tích cực, và ông không muốn ngăn cản bất cứ ai đăng ảnh. Ông cũng đã có một số lời khuyên thiết thực cho các công dân New Delhi: “Trong khi bạn đang lái xe thì không nên chụp ảnh bất cứ ai phạm Luật Giao thông vì việc sử dụng điện thoại di động để chụp ảnh trong khi lái xe tự nó cũng là một hành vi vi phạm”.
Trước đây, hàng chục sở cảnh sát tại Hoa Kỳ cũng sử dụng các trang Facebook, nhưng chúng thường được dùng để thông báo cho công chúng về những thay đổi trong pháp luật, cảnh báo họ về sự nguy hiểm và thu hút người tham gia gây quỹ.
(Theo The New York Times)
Nguyễn Hà
Bình luận (0)