Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Ấn Độ: Sửa luật để ngăn chặn ngược đãi học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Trường nam sinh La Martiniere – nơi Rouvanjit Rawla tự vẫn

Theo báo cáo của UNICEF năm 2008, cứ ba trẻ em tại Ấn Độ thì có đến hai em cho biết từng bị hành hạ về mặt thể xác khi ở trường. Mới đây, cái chết của một học sinh ngay trong lớp học đã dẫn đến sự thay đổi lớn về luật pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ngược đãi học sinh.
Tháng 2-2010, Rouvanjit Raw – một học sinh lớp 7 Trường nam sinh La Martiniere, vốn là ngôi trường có lịch sử lâu đời và uy tín nhất của thành phố Kolkata, thuộc miền Nam Ấn Độ đã treo cổ tự tử ngay sau khi bị hiệu trưởng và ba giáo viên khác hành hạ bằng roi trước mặt bạn bè. Sau nhiều tháng yêu cầu nhà trường đưa ra lời giải thích về sự việc đau lòng này, bố của cậu học sinh xấu số – ông Ajay Rawla đã quyết định kiện Ban giám hiệu ra tòa. Ông nói: “Họ là thầy cô giáo. Nhiệm vụ của họ là dạy dỗ bọn trẻ thành những người có ích cho xã hội chứ không phải khiến chúng tuyệt vọng đến mức tự vẫn. Là một người cha, tôi cần có câu trả lời cho cái chết oan ức của con mình và tôi sẽ chiến đấu đến cùng để giành được công lý cho Rouvan”.
Ủy ban Bảo vệ Quyền trẻ em quốc gia (NCPCR) ngay sau đó cũng đã tiến hành một cuộc thăm dò và nhận được nhiều lời bày tỏ sự bất mãn trong môi trường giảng dạy tại trường học.
Từ năm 2000, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã nghiêm cấm việc bạo hành thể xác trẻ em dưới mọi hình thức. Quyền trẻ em được thông qua năm 2009 cũng cấm tình trạng ngược đãi trẻ em. Tuy nhiên, theo Lov Verma – Thư ký NCPCR, việc sử dụng roi để trừng phạt học sinh vẫn còn phổ biến tại tất cả các trường học trên cả nước.
Và bây giờ, cái chết của học sinh Rouvanjit đã đưa đến một sự thay đổi về luật pháp. Chính phủ yêu cầu các trường học không được sử dụng bạo lực đối với trẻ em, đồng thời ra thông báo sẽ hình thành một cơ quan – nơi học sinh, phụ huynh có thể bày tỏ lời than phiền của mình về giáo viên và trường học của họ. Ông Kapil Sibal, Bộ trưởng Bộ Phát triển nguồn nhân lực cho biết, Hội đồng Giáo dục trung học trung ương (CBSE) sẽ được thiết lập như là một cơ quan luật định nhằm khắc phục tình trạng ngược đãi, bạo hành trong trường học. “Khi các nguyên tắc được ban hành bởi một cơ quan luật định, nó sẽ có tính bắt buộc. Chúng tôi đưa ra những nguyên tắc chi tiết để tổ chức các trường chịu trách nhiệm nếu một đứa trẻ phải đối mặt với tình trạng tàn tật hoặc tử vong do sự trừng phạt quá mức của giáo viên”, ông Kapil Sibal nói.
Trên thế giới, những nước văn minh nhất đã cấm tình trạng học sinh bị bạo hành, ngược đãi trong môi trường học đường. Tại Ấn Độ, mục 88 và 89 Luật Hình sự (IPC) cho rằng bất kỳ hành động nào thực hiện vì lợi ích của trẻ và không có ý định gây ra cái chết đều được cho phép. Tuy nhiên, trong thời đại thông tin, trẻ em không chỉ trở nên ý thức mà còn nhạy cảm nhiều hơn do đó chúng cần phải được quan tâm, chăm sóc và giáo viên phải biết nhạy cảm với các nhu cầu cảm xúc của học trò trước khi muốn dạy dỗ, giáo dục họ. Ông Carl Laurie – Hiệu trưởng Trường Christ Church, Mumbai phát biểu: “Bây giờ chúng tôi chỉ tập trung vào công tác tư vấn. Giáo viên được đào tạo về tâm lý học phát triển và họ nhận thức được rằng họ không thể sử dụng hình phạt thể xác hay nhục mạ đối với một đứa trẻ. Chúng tôi cũng liên kết làm việc với phụ huynh như là một nhóm để thông báo khi con cái họ có vấn đề”.
Ông Sibal sau đó cũng đã gặp ông Shanta Sinha – Chủ tịch NCPCR để trao đổi, giải thích những câu hỏi quan trọng như cần phải làm những gì nếu các trường trích dẫn mục 88, 89 của IPC nhằm bảo vệ họ và phải làm gì trong trường hợp một học sinh chết do bị ngược đãi. Riêng bốn giáo viên sử dụng roi để đánh và gây ra cái chết của Rouvanjit Rawla sẽ phải ra hầu tòa trong thời gian sớm nhất.
(Theo Hindustan Times)
Ngân Du

Bình luận (0)