Hội nhậpThế giới 24h

Ấn Độ thắt chặt an ninh trước thềm hội nghị G20

Tạp Chí Giáo Dục

Chính phủ Ấn Độ đang áp đặt một chế độ an ninh nghiêm ngặt cho hội nghị cấp cao G20 sắp diễn ra ở thủ đô New Delhi.

Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra tại khu triển lãm Pragati Maidan rộng lớn ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ từ ngày 9-10.9. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 lần này. Trong các nhà lãnh đạo đã xác nhận tham gia có Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Hội nghị G20 lần này đánh dấu nhiệm kỳ chủ tịch G20 đầu tiên của Ấn Độ kể từ khi nhóm được thành lập vào năm 1999, nên New Delhi quyết tâm ngăn chặn mọi nỗ lực nhằm phá vỡ thời điểm quan trọng của đất nước trên trường quốc tế, theo tờ Nikkei Asia.

Áp đặt chế độ an ninh nghiêm ngặt

Chính phủ Ấn Độ đang áp đặt chế độ an ninh nghiêm ngặt dành cho hội nghị G20. Theo đó, cảnh sát New Delhi đã hạn chế việc di chuyển của các phương tiện xung quanh Pragati Maidan và khu ngoại giao của thành phố. Các trường học, văn phòng và cơ sở thương mại đã được hướng dẫn đóng cửa. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa cũng sẽ bị cấm vào New Delhi, ngoại trừ những phương tiện chở nhu yếu phẩm.

Ấn Độ thắt chặt an ninh đến mức nào cho hội nghị G20? - Ảnh 1.

Nhân viên lực lượng an ninh ngày 7.9 đứng gác bên ngoài Bharat Mandapam, địa điểm chính của hội nghị G20, ở New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: Reuters

Nikkei Asia dẫn lời một cảnh sát giấu tên cho hay khoảng 130.000 nhân viên an ninh, bao gồm cả lực lượng bán quân sự, đã được triển khai để duy trì luật pháp và trật tự. Ngoài ra, Không quân Ấn Độ đã được lệnh triển khai các hệ thống chống máy bay không người lái (UAV) và chống lại các mối đe dọa trên không khác. Việc sử dụng UAV hoặc thậm chí thả diều ở Delhi đều bị cấm cho đến ngày 12.9.

"Chúng tôi đang thực hiện mọi biện pháp có thể để đảm bảo hội nghị thượng đỉnh kết thúc suôn sẻ. Rất nhiều nỗ lực đã được đổ vào việc này và đó là vấn đề uy tín của đất nước", vị cảnh sát cho hay.

Cũng theo vị cảnh sát này, khu Pragati Maidan được "bao phủ bởi camera" và hệ thống kiểm soát truy cập tự động cũng như phân tích video sẽ được sử dụng để phát hiện bất kỳ chuyển động trái phép nào.

Ấn Độ thắt chặt an ninh đến mức nào cho hội nghị G20? - Ảnh 2.

Cảnh sát kiểm tra giấy tờ của hành khách trên một chiếc xe trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi. Ảnh: Reuters

Chính phủ Ấn Độ đã chi 325 triệu USD để tái thiết Pragati Maidan, trải rộng trên diện tích khoảng 500.000 m2. Khu này có một hội trường 7.000 chỗ ngồi và một nhà hát 3.000 chỗ ngồi, cùng nhiều cơ sở vật chất khác. Đây sẽ là nơi các nhà lãnh đạo G20 tập hợp để thảo luận về các vấn đề cấp bách như an ninh lương thực và nghèo đói.

Phát ngôn viên Cảnh sát Delhi Suman Nalwa cho biết toàn bộ lực lượng 80.000 người đang "trong tình trạng báo động cao". "Chúng tôi có nhiều camera quan sát và đang thực hiện giám sát", ông Nalwa nhấn mạnh, cho biết thêm địa điểm diễn ra hội nghị cũng như từng tuyến đường đều được giám sát.

Chi hơn 2 triệu USD thuê xe chống đạn

Chính phủ Ấn Độ cũng đã thuê 20 xe limousine chống đạn với chi phí 180 triệu INR (2,18 triệu USD) cho việc đưa đón các lãnh đạo dự hội nghị G20, theo Reuters.

Nhiều nhà lãnh đạo đi lại với vệ sĩ và phương tiện riêng của họ. Một quan chức chính phủ cho biết Ấn Độ đã yêu cầu các nước "hợp lý" về số lượng ô tô và nhân sự mà họ mang theo, nhưng không đưa ra bất kỳ hạn chế nào. Vị quan chức cho biết thêm Mỹ sẽ điều động hơn 20 máy bay trong khoảng thời gian kéo dài một tuần xung quanh hội nghị thượng đỉnh G20.

Giới chức cũng đang chuẩn bị chống lại các cuộc tấn công mạng và chiến dịch thông tin sai lệch tiềm ẩn của tin tặc hoặc các tổ chức cực đoan. Cảnh sát Delhi, Đội ứng phó khẩn cấp máy tính Ấn Độ, Trung tâm bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng quốc gia và Cục tình báo đang hợp tác để vô hiệu hóa các mối đe dọa như thế.

Giám đốc điều hành của một tổ chức tư nhân làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật giấu tên cho hay các nhóm đang theo dõi phương tiện truyền thông mạng xã hội và "web đen" để phát hiện những ý đồ của "những kẻ gây rối nhằm làm gián đoạn sự kiện này (hội nghị G20)", theo Nikkei Asia.

Theo Văn Khoa/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)