Rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, tăng cân là những vấn đề sức khỏe thường gặp vào dịp Tết do thực phẩm không đảm bảo, thói quen ăn uống thừa chất so với nhu cầu nhưng thiếu cân bằng dinh dưỡng. Tuy nhiên, không phải ai cũng chú ý để tránh.
BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM
Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo dục TP.HCM có cuộc trao đổi với BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM.
+ PV: Thưa bà, ngày Tết chúng ta thường gặp những vấn đề gì về sức khỏe?
BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM: Tết là thời điểm thường xảy ra tình trạng biếng ăn ở trẻ em và người cao tuổi. Cạnh đó là xu hướng tăng cân không đạt chuẩn dẫn tới suy dinh dưỡng và thường diễn ra ở trẻ em. Một phần do trẻ ăn vặt liên tục khiến no ngang rồi bỏ bữa chính. Những trẻ có nền tảng dinh dưỡng ở mức trung bình thấp sẽ không tăng cân và rơi vào thiếu dinh dưỡng nhiều, lúc này có thể bắt đầu suy dinh dưỡng nhẹ. Ngược lại trẻ đang thừa cân thì có thể béo phì sau Tết.
Vấn đề thường gặp nữa là tăng cân, sau đó là thừa cân béo phì ở người trưởng thành. Nguyên nhân do đồ ăn ngày Tết thường là các thực phẩm nhiều đạm, chất béo, đường như thịt, bánh chưng, giò chả, bánh kẹo… dễ dẫn đến ăn uống thừa chất so với nhu cầu nhưng thiếu cân bằng dinh dưỡng khiến năng lượng hấp thu nhiều, chuyển hóa nhanh dẫn đến tích lũy mỡ, tăng cân quá mức.
Rối loạn tiêu hóa, dị ứng, ngộ độc thực phẩm qua các biểu hiện như khó tiêu, tiêu chảy, nôn… cũng thường gặp ở dịp Tết, do ăn uống không cân đối dinh dưỡng, ăn phải các thực phẩm cũ, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, ôi thiu. Trường hợp lạm dụng các loại nước ngọt, nước có ga, bia rượu cũng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, cân nặng, vóc dáng, nhất là đối với những người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch…
+ Nên ăn uống như thế nào để có sức khỏe tốt, đón Tết vui tươi, an toàn thưa bà?
Tâm lý ngày Tết của chúng ta thường thoải mái, ăn uống nhiều món nhưng cũng lưu ý duy trì chế độ ăn như trước Tết, làm sao cân đối chế độ dinh dưỡng. Chú ý thay thế những món ăn cùng một nhóm thực phẩm, ví dụ ăn bánh tét thì nên bớt cơm, ăn xôi thì bớt bánh tét; nếu ăn nhiều giò chả thì rõ ràng không cần thiết ăn thêm các món như thịt kho, trứng kho…
Đặc điểm ngày Tết thường ăn quá no, khá ít rau vì xung quanh có nhiều món ăn khác nhau dễ dẫn đến thiếu chất xơ. Vì thế mỗi người mỗi ngày cần ăn đủ 400 gram rau, 200 gram trái cây để tốt cho sức khỏe và hệ tiêu hóa. Nên hạn chế một số thực phẩm quá nhiều muối, dầu mỡ, đường, chất phụ gia. Bên cạnh đó, các loại rượu bia, nước ngọt có ga cũng hạn chế để tránh gánh nặng cho sức khỏe.
Với trẻ nhỏ, tất cả bữa ăn hàng ngày cần cung cấp đủ các nhóm gạo, ngũ cốc, thịt gia súc, gia cầm, cá, các loại thủy hải sản khác, đặc biệt là rau, trái cây, sữa để đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Tổ chức các bữa ăn cho trẻ đảm bảo đúng giờ, đúng số lần, số lượng và hạn chế cho trẻ ăn nhiều mứt, bánh kẹo, nước ngọt.
+ Mua được thực phẩm sạch, cách bảo quản đúng cách cũng là khâu rất quan trọng để mang đến thực đơn ngon, bổ dưỡng. Bà có lời khuyên gì đến mọi gia đình?
Chọn mua thực phẩm an toàn, bảo quản và chế biến đúng cách là việc mỗi gia đình nên làm, góp phần giảm thiểu được nhiều nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.
Bắt đầu từ việc mua thực phẩm, mua ở những nơi đảm bảo yếu tố vệ sinh, an toàn, truy suất được nguồn gốc để có độ tươi ngon, không tồn dư các loại thuốc bảo vệ thực vật ở nhóm rau, trái cây. Ưu tiên chọn các loại trái cây nhiều vitamin như cam, quýt, thanh long, xoài, nho, đu đủ, táo, chuối và còn nguyên vỏ để bảo quản được lâu.
Tương tự nhóm thịt cá là hai loại thực phẩm cũng có nguy cơ bị mất an toàn cao. Nếu được giết mổ trong những dây chuyền an toàn, bảo quản ở nhiệt độ tốt thì đến tay người tiêu dùng sẽ an toàn cho sức khỏe. Nguyên tắc chung nên chọn thịt, cá có màu tự nhiên. Ví dụ thịt bò có màu đỏ, thịt heo có màu hồng, thịt gà trắng ngà, không có mùi hôi. Thịt căng mịn, các thớ thịt đàn hồi tốt. Hay các loại cá, thủy hải sản, loại nào có vảy thì vảy phải chắc, mắt trong, lòng đen trắng rõ ràng; tôm thì phải dính liền vào thân, thịt trong, không đục… Trong trường hợp mua thực phẩm đã sơ chế và đông lạnh cũng nên mua ở những nơi có điều kiện bảo quản tốt.
Tâm lý ngày Tết thường mua quá nhiều thực phẩm sau đó dự trữ lâu ngày là không nên. Nên mua vừa đủ dùng, dự trữ tối đa 3-4 ngày. Thực phẩm mua về nên sơ chế bằng cách rửa sạch sẽ, chia thành những phần vừa đủ thực đơn gia đình, còn lại cho vào ngăn đông tủ lạnh để giữ được lâu hơn. Để riêng thực phẩm chín và sống. Trứng hoặc sản phẩm từ sữa có nhiều chất dinh dưỡng cũng nên bảo quản ở nhiệt độ ngăn mát tủ lạnh dưới 5 độ C là tốt nhất, tránh tiếp xúc trực tiếp với môi trường.
Trong chế biến thực phẩm ngày Tết, hầu hết các món được chiên, kho mặn thì nên cân đối lại thực đơn bằng việc thay các món gỏi, salad hoặc nấu canh, nấu lẩu…
+ Xin cảm ơn bác sĩ!
Minh Phương (thực hiện)
Bình luận (0)