Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

Ăn gì, ăn thế nào để giảm stress?

Tạp Chí Giáo Dục

Có phải cơ thể bạn thèm ăn nhiều hơn mỗi khi mệt mỏi? Không phải chỉ có mình bạn đâu. Hơn 1/3 người tham gia vào cuộc khảo sát  được thực hiện bởi NPR, Quỹ Robert Wood Johnson và Trường Sức khỏe công cộng Havard nói rằng họ thay đổi chế độ ăn khi cảm thấy stress.

Nhiều người trong chúng ta thường chuyển sang ăn đồ ngọt hoặc thực phẩm chứa carbohydrat dạng đơn như là bánh sừng bò hay mì Ý trắng khi cảm thấy stress.

GS David Ludwig thuộc khoa Nhi và Dinh dưỡng tại ĐH Havard, đồng thời là một nhà nghiên cứu tại BV Nhi Boston, cho biết: “Điều này có thể hình thành một vòng tuần hoàn không lành mạnh. Khi chúng ta thấy stress, chúng ta muốn ăn những thực phẩm có thể khiến cơ thể thấy thoải mái ngay tức thì nhưng thường thì những thực phẩm này làm sản sinh ra các loại hormone và đường trong máu làm tăng khả năng nhạy cảm với những căng thẳng mới”.

Tất nhiên là chúng ta không thể kiểm soát rất nhiều sự kiện và tình huống dẫn đến stress. Nhưng Ludwig cho rằng “các chất cơ thể chúng ta hấp thụ rất có thể gây ra stress”.

 Những loại thực phẩm có thể giúp cải thiện tâm trạng tích cực.

Ông đề cập đến một nghiên cứu của bản thân và một vài đồng nghiệp được công bố trên tờ Pediatrics nhiều năm về trước. Họ chuẩn bị nhiều bữa ăn sáng khác nhau cho những cậu bé vị thành niên. Một bữa có trứng giàu protein, một bữa có yến mạch cắt hạt tấm giàu chất xơ. Bữa ăn thứ ba có cháo yến mạch ăn liền, đây là món làm tăng chỉ số đường huyết cao nhất. 

Sau khi ăn món cháo yến mạch ăn liền chứa nhiều carbon xấu, lượng đường trong máu tăng cao nhưng sau vài giờ lại giảm xuống. Khi hiện tượng này xảy ra, hormone gây stress tăng lên mức rất cao.

"Chúng ta đều biết rằng có nhiều loại thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh tiểu đường typ 2. Vậy thì tại sao nhiều người lại ngạc nhiên khi biết thực phẩm cũng ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc?” – Ludwig nói.

Cũng theo nhà nghiên cứu Joe Hibbeln, Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ thì nếu ăn nhiều carbonhydrat xấu và đường có thể làm trầm trọng thêm tình trạng stress của cơ thể.  “Tôi nghĩ rằng có một mối liên hệ rất mạnh mẽ giữa những gì bạn ăn và tâm trạng của bạn”, Hibbeln khẳng định.

 Omega-3 có trong cá được cho là giúp điều chỉnh tâm trạng rất tốt. Hình minh họa.

Theo đó, ông đã dành hai thập kỉ qua để nghiên cứu mối liên hệ giữa acid béo omega 3 tìm thấy trong cá và cảm xúc của con người. “Một trong những cách cơ bản nhất các omega 3 giúp điều chỉnh tâm trạng là làm nguội bớt các phản ứng của cơ thể với những yếu tố gây kích động" – Hibbeln cho biết.

Ông cũng đề cập đến các thử nghiệm cho thấy omega 3 có thể giúp cơ thể kiểm soát các triệu chứng sa sút tinh thần. Cùng với đó, một nghiên cứu trên trẻ em tại Anh cho thấy omega 3 giúp điều chỉnh hành vi ở trẻ.

Tuy nhiên, hiển nhiên là omega 3 không phải là loại thực phẩm duy nhất tốt cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. Drew Ramsey, nhà tâm lý học thuộc ĐH Columbia và đồng thời là tác giả của cuốn The Happiness Diet (Bữa ăn hạnh phúc) cho biết chế độ ăn giàu dinh dưỡng là cách tốt nhất đánh bại căng thẳng mệt mỏi.

Ông minh họa bằng bữa ăn sáng đánh-bay-stress yêu thích của mình: trứng bác trộn với cải xoăn (hoặc các loại rau khác) và rắc thêm hạt bí.

Ramsey tin rằng bữa ăn cung cấp tất cả chất dinh dưỡng cần thiết. Trứng là nguồn cung cấp vitamin B dồi dào, giúp mau no hơn ăn bữa sáng giàu carbon-hy-drat. Các loại rau xanh rất giàu dinh dưỡng và là nguồn cung cấp vitamin A và kali.

Đối với món tráng miệng, hãy ăn socola đen, giúp “tác động tích cực lên tâm trạng” của chúng ta, Ramsey cho biết. Ông chứng minh bằng một nghiên cứu cho thấy các sắc tố trong ca cao có thể củng cố tâm trạng và duy trì tỉnh táo ở những người có áp lực tinh thần lớn – chẳng hạn như học sinh trong giai đoạn thi cử hay phóng viên khi đến hạn nộp bài.

DIỄM SƯƠNG/PLO

(Theo npr.org)

Bình luận (0)