Tỉnh An Giang tiếp tục điều chỉnh, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quy hoạch Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên góp phần đưa cửa khẩu quốc tế này trở thành công trình đặc trưng mang biểu tượng quốc gia.
Đây là đầu mối giao lưu kinh tế, giao thông vận tải quan trọng trong khu vực phía Nam và phát triển tiềm năng kinh tế văn hóa, xã hội tại địa phương.
Việc điều chỉnh lần này tập trung vào hai vấn đề quan trọng là xây dựng đường tuần tra biên giới và âu thuyền làm bến đậu, đổ khách vãng lai, quá cảnh, giao thương hàng hóa.
Đối với đường tuần tra biên giới, theo quy hoạch trước đây bị gián đoạn tại khu vực dự kiến xây dựng Quốc Môn, nên cần có giải pháp kết nối đến quốc lộ 91 hiện hữu.
Việc xây dựng cầu tàu, âu thuyền phải thay đổi vị trí đến cạnh nhà chờ xuất, nhập hàng hóa, để không làm ảnh hưởng tới dòng chảy trên kênh 79 và cầu Cạn, tiếp giáp kinh Vĩnh Tế, dễ dàng thoát lũ ra biển Tây, thuận tiện lên xuống hàng hóa.
Ông Võ Anh Kiệt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, cho biết, Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên nằm trong quy hoạch Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang đến năm 2030 theo Quyết định 169/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Vì vậy, quy hoạch phát triển kinh tế văn hóa xã hội khu vực Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên phải gắn với an ninh quốc phòng, đường tuần tra biên giới, đường ra biên giới, nối liền với Quốc lộ 91.
Vấn đề xây dựng âu thuyền là nhu cầu cần thiết nhưng với việc dịch chuyển điều chỉnh vị trí hình thành âu thuyền cho khu cửa khẩu, các đơn vị phải xem xét ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và không tác động đến dòng chảy, đảm bảo thoát lũ an toàn hàng năm.
Ông Đinh Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang, cho rằng: Vận chuyển bằng đường thủy là điều kiện tốt nhất, là đặc thù của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với sông ngòi chằng chịt. Hình thức vận chuyển này có chi phí thấp, dễ quản lý, không ảnh hưởng đến hoạt động tuần tra biên giới, môi trường, dòng chảy, sản xuất của người dân.
Việc xem xét nạo vét mở rộng lòng kênh phục vụ được cho thuyền có tải trọng 500 tấn, thay vì 300 tấn như quy hoạch trước đây cần được tính tới.
Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, trong hệ thống cửa khẩu phía Nam. Đây là điểm trung chuyển, giao thương hàng hóa của các tỉnh phía Nam với Campuchia.
Bình quân, mỗi năm, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên đạt trên 100 triệu USD, năm 2014 đạt 106,72 triệu USD, chiếm trên 10% kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu toàn tỉnh./.
THU TRANG
(TTXVN/VIETNAM+)
Bình luận (0)