Theo Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam và nhiều địa phương thì cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của các ngành dịch vụ. Tỷ trọng khác nhau tùy địa phương, vùng, theo đó, vùng ĐBSCL, tỉnh An Giang, đến năm 2020 phấn đấu cơ cấu kinh tế chuyển dịch của vùng theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.
HS An Giang chờ nghe tư vấn định hướng nghề nghiệp
Bài viết sau cung cấp những thông tin về quy hoạch nguồn nhân lực và kết quả thi THPT của tỉnh An Giang để HS có sự chuẩn bị chắc chắn cho giai đoạn học tập tiếp theo.
Nhóm ngành nghề đáp ứng quy hoạch
Tỉ trọng các lĩnh vực ở ĐBSCL, An Giang lần lượt là: Công nghiệp – Xây dựng 37,4% – 21%; Dịch vụ 45,3% – 59,3%; Nông-lâm-ngư nghiệp là 17,3% – 19,7%. Năm 2016, Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 của tỉnh An Giang cho thấy việc chuyển dịch cơ cấu lao động đạt khá tốt (theo quy hoạch đến năm 2015, tỉ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 50%, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 17% và lĩnh vực dịch vụ là 33%). Tuy nhiên, về đào tạo nghề, chưa đạt theo yêu cầu của quy hoạch.
Bảng 1. Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH đến năm 2020
Để đáp ứng quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 của khu vực ĐBSCL, một số lĩnh vực ngành nghề HS cần lưu ý:
– Về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: quản lý và khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái.
– Về công nghiệp: công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; công nghiệp điện và năng lượng, phát triển điện sinh khối; hóa dầu; điện, điện tử; công nghiệp cơ khí đóng và sửa chữa tàu thuyền; công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy sản, sản xuất phụ tùng lắp ráp máy động lực; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghệ hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiêu dùng; CNTT và bảo vệ môi trường.
– Phát triển khu vực dịch vụ: du lịch sinh thái, du lịch biển và du lịch văn hóa lễ hội; dịch vụ tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán; dịch vụ logistic để tạo điều kiện phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và XNK; dịch vụ công nghệ thông tin.
Riêng tại tỉnh An Giang, đến năm 2020 một số ngành nghề HS cần lưu ý:
– Về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: Trồng trọt (sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, trong đó có lúa nước…), chăn nuôi…
– Về phát triển công nghiệp: Chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản; Công nghiệp chế tạo, sửa chữa cơ khí; Công nghiệp khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng; Phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch và đa dạng hóa các mặt hàng đặc sản truyền thống của tỉnh.
– Về phát triển thương mại, dịch vụ: Thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn đầu tư, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tư vấn quản lý và tư vấn pháp luật, thương mại điện tử, viễn thông; du lịch.
– Về lĩnh vực y tế, phấn đấu năm 2020 có 8 bác sĩ/1 vạn dân và trên 1,2 dược sĩ/1 vạn dân.
Một số nơi có đào tạo
Ngay tại địa bàn tỉnh An Giang, có Trường ĐH An Giang, đào tạo đa ngành đa lĩnh vực; có 2 trường CĐ nghề và 16 trung tâm/ trường trung cấp nghề. Ngoài ra, tại tỉnh Bến Tre có Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM có tuyển sinh một số ngành nghề cần cho khu vực ĐBSCL. Về lĩnh vực y tế, tỉnh đẩy mạnh thực hiện đào tạo theo địa chỉ. Liên kết với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ mở một số lớp tại tỉnh (cử nhân y tế công cộng).
Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của HS tỉnh An Giang
Trong hai năm gần đây, điểm trung bình 3 môn thi các tổ hợp xét tuyển ĐH của tỉnh An Giang cao hơn điểm bình quân của cả nước. Trong 5 tổ hợp phổ biến, A01, A01 thường có điểm trung bình thấp hơn so với các tổ hợp khác.
Bảng 2. Điểm bình quân 3 môn thi theo tổ hợp xét tuyển của An Giang năm 2018(*)
(*) Chưa tính điểm ưu tiên theo đối tượng, khu vực
Về các môn thi, kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cho thấy các môn thi của tỉnh đều có điểm bình quân cao hơn so với các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL. Điều này cũng thể hiện phần nào chất lượng giáo dục THPT tại tỉnh An Giang (xem biểu đồ).
Điểm trung bình các môn của kỳ thi THPT QG năm 2018 của một số tỉnh thuộc vùng ĐBSCL
Ngoài lợi thế về năng lực học tập thì HS cũng có nhiều cơ hội để chọn được các ngành học phù hợp với sở thích nghề nghiệp và nhu cầu nhân lực của địa phương ở các trình độ khác nhau. Bên cạnh việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, HS có thể sử dụng điểm học bạ và tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường phù hợp.
TS. Lê Thị Thanh Mai
(Đại học Quốc gia TP.HCM)
Bình luận (0)