Cuối tuần nắng lên sau đợt mưa dầm dề, chúng tôi rủ rê nhau đi vãn cảnh Tràng An (Ninh Bình)… Tràng An non nước hữu tình nhưng cả ngày lênh đênh sông nước cũng mệt, mọi người bảo nhau “chuyển tông”.
Đang chưa biết đi đâu thì cậu bạn người Thanh Hóa cùng đi rủ qua Nga Liên (Nga Sơn, Thanh Hóa) ăn gỏi cá nhệch.
Từ TP Ninh Bình chạy xe khoảng 60km thì tới Nga Sơn, rồi lòng vòng, lắt léo hơn chục kilômet nữa mới đến Nga Liên. Bạn bảo gỏi cá nhệch Nga Sơn ăn ở Nga Liên là ngon nhất, đặc biệt ở quán “ông Bảo” như mọi người quen gọi.
Gỏi cá nhệch ở một số địa phương cũng có và đều được chế biến từ thịt cá nhệch đã làm sạch, lát mỏng trộn thính gạo thơm lừng theo bí quyết riêng của từng nhà hàng để khử tanh và tạo mùi thơm cho cá.
Chiếc “phễu gỏi” đã có đủ các loại rau, cá, chẻo và gia vị – Ảnh: T.L.H.
Nhưng đặc sắc nhất, tạo hương vị riêng cho gỏi cá nhệch ở mỗi vùng miền là các loại rau, lá ăn cùng, cũng như cách thức chế biến “chẻo” và thưởng thức gỏi. Gỏi cá ở Nga Sơn được ăn với rất nhiều loại rau, lá… mà có lẽ chỉ ăn ở Thanh Hóa mới thưởng thức được hết hương vị đặc trưng của món ăn như lộc nhòn, rau má…
Chế biến gỏi cá nhệch Nga Sơn là một nghệ thuật, mà ăn gỏi cá nhệch Nga Sơn cũng là một nghệ thuật tỉ mỉ không kém. Thấy mấy lữ khách ngơ ngác không biết dùng món thế nào, cô nhân viên quán tươi cười hướng dẫn tận tình.
Gỏi cá không cuốn bằng bánh đa nem mà lấy các loại lá ăn kèm để cuốn. Gỏi cũng không cuốn tròn như các loại gỏi, nem cuốn thông thường mà cuốn thành hình phễu và ăn cả miếng mới ngon. Đầu tiên lấy lá “sung sướng” (lá sung) thật to, lá mới, non đặt ở ngoài cùng. Nêm thêm một, hai lá lộc nhòn, một, hai lá từ bi hỉ xả (cúc tần) rồi ngổ ngáo (rau ngổ), mộng mơ (lá mơ), mùi tàu, đinh lăng, rau má, bạc hà… Ai thích vị nào thì nêm tùy ý. Sau đó cuốn tất cả các loại rau thành hình chiếc phễu, cho lượng cá nhệch vừa ăn vào, rưới chẻo lên trên và nêm vừa phải ớt gió tươi, hành củ tươi, riềng, sả. Ai ăn được mắm tôm thì rưới thêm một chút. Rồi lấy một miếng bánh đa nho nhỏ đậy cái phễu lại và phải ăn hết cả miếng.
Cảm nhận ban đầu là vị bùi, vị thơm, vị mát, vị cay của rau. Rồi đến vị ngọt, vị béo, bùi, ngậy của chẻo, vị mằn mặn vừa phải của mắm tôm, vị cay, nồng, thơm, nóng của riềng, của ớt, của sả. Thêm vị bánh đa bùi bùi giòn tan và cuối cùng là vị ngọt, dai mà giòn giòn của cá nhệch. Tất cả tan dần trong miệng… ngon không từ nào tả xiết… Nuốt miếng gỏi rồi mà dư vị vẫn còn đọng mãi…
Ăn gỏi cá nhệch ngon nhất là chẻo. Mà chẻo không ngon thì chẳng còn gì là gỏi cá nhệch. Chẻo làm từ những gì, làm như thế nào mà lại béo, ngậy, thơm, ngon đến vậy? Những người khách phương xa chẳng thể phân biệt được. Hỏi các nhân viên phục vụ, các cô chỉ cười rất hiền bảo đó là “bí quyết riêng của nhà hàng chúng em”… Ừ, phải giữ “bí kíp” riêng thì mới tạo ra được thương hiệu riêng chứ nhỉ…
Sau lần đầu tiên, mỗi lần thèm gỏi cá nhệch Nga Sơn mấy chị em lại rong ruổi vào tận Nga Liên ăn gỏi. Và bây giờ, nghĩ đến gỏi cá nhệch Nga Sơn lòng cứ bồi hồi…
Theo Trịnh Lan Hương / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)