Vừa bước chân khỏi phà, thầy Chính đi về phía trước, mắt nhìn hai bên tìm xe ôm để tiếp tục hành trình vào trường bạn làm công tác thi tốt nghiệp THPT. Bỗng một chiếc xe ôm trờ tới, thầy Chính mừng rỡ: “Anh cho về Trường cấp 3 Mỹ An”. Anh xe ôm miệng bịt khẩu trang, không nói mà ra hiệu bằng cách đưa ngón tay cái lên, có ý “đồng ý” rồi mau mắn đưa chiếc mũ bảo hiểm cho thầy Chính đội, nổ máy phóng đi.
Quãng đường về trường còn khoảng 10 cây số nên thầy Chính bắt chuyện cho đỡ buồn: “Ngày chạy được nhiều không anh?”. “Bác tài” trả lời: “Dạ, cũng đủ sống đắp đổi qua ngày. Xe ôm ra nhiều, khách đi thì ít”. Nghe giọng quen quen, hình như đã gặp đâu rồi. Thầy hỏi tiếp: “Hình như anh quê huyện Kế Nghĩa phải không?”. “Bác tài” nhỏ nhẹ: “Thầy quên em thiệt hả? Em là Triều “cá biệt” đây mà! Em bị thầy ký quyết định đuổi học hồi đó đó”. Thầy Chính bất ngờ bởi buổi gặp bất đắc dĩ này. Oái oăm làm sao. Mới đó mà đã hơn 15 năm…
Thuở ấy, vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, thầy Chính được cấp trên đề bạt làm Hiệu trưởng một trường cấp 3 vùng quê. Đã hết thời “bao cấp” được mấy năm, nền kinh tế tư nhân “bung ra” như nắng hạn gặp mưa rào. Vì vậy, việc quản lý học sinh trong thời buổi kinh tế thị trường thật nhiều vất vả, phức tạp. Những điều tốt, các em có học nhưng tiếp nhận chậm. Ngược lại, những điều xấu các em “tiếp thu” quá nhanh! Trong số học sinh “cá biệt” của trường, nổi trội hơn cả là Triều. Nghe giáo viên chủ nhiệm nói lại, gia đình em làm ruộng, cũng đủ ăn chẳng dư dả gì vì con đông. Những trò chơi “độc đáo” của Triều khiến không ít lần giáo viên phải mời gia đình nhưng ba mẹ em ít khi đến. Nào là trong giờ học, em cột vạt áo dài của bạn nữ ngồi bàn trước vào chân bàn sau. Hết giờ, khi đứng lên chào giáo viên thì “roạt” một cái, chiếc áo bị xẻ tới tận nách tay khiến bạn nữ ôm mặt khóc nức nở. Triều khoái chí vừa chạy ra sân vừa cười ha ha… Giáo viên chủ nhiệm hầu như bất lực trước những trò chơi “không giống ai” của Triều. Lớp bị trừ điểm thi đua hoài cũng vì em đi học trễ, ngủ gục trong lớp hoặc giờ nào cũng nhấp nhổm ngồi không yên… Giáo viên chủ nhiệm trình lên Ban Giám hiệu. Hội đồng kỷ luật họp. Thầy Chính nghe phân tích, cuối cùng nhằm để cho trường “trong sạch”, thầy đồng ý với ý kiến quyết định đuổi học một năm. Thầy Hiệu trưởng đã công bố quyết định đuổi học Triều một năm trong buổi chào cờ thứ hai. Thế là không một lời từ giã, em nghỉ học từ đó và biệt tăm luôn.
Thầy Chính lần dò tìm hiểu, mới đau xót biết rằng: Gia đình Triều ba mẹ ly dị nhau. Hai em của Triều theo mẹ về bên ngoại, còn em và đứa em út theo ba ở lại bên nội. Em đi học chẳng có thứ gì trong bụng mỗi sáng. Cũng chẳng có ai chăm sóc, dạy dỗ, khuyên răn vì ba em tối ngày vùi đầu vào rượu.
“Một quyết định quá vội vàng”, thầy Chính nhớ lại, “Phải chi trước khi “ra tay”, mình tìm hiểu thật kỹ hoàn cảnh gia đình Triều. Từ đó nhờ thầy cô cùng giúp đỡ, biết đâu em đã học đến nơi đến chốn, không mặc cảm bị đuổi học…”.
Khi xuống xe, thầy Chính chỉ biết nói: “Cảm ơn em, cho thầy gửi tiền (thầy không dùng từ “trả tiền” mà là “gửi tiền” cho nhẹ nhàng)”. “Không ạ, em không nhận tiền của thầy đâu. Em chở giúp thầy thôi mà”, Triều gửi lại tiền. Nói xong, em quay xe, phóng thật nhanh trong bụi mù của con đường vừa mới sửa xong tháng trước…
Lê Đức Đồng
(Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, Sóc Trăng)
Bình luận (0)