Đi xe đạp điện hiện nay rất phổ biến nhưng cũng chứa nhiều ẩn họa ít người lường trước. ảnh: I.T |
Xe đạp điện trở thành phương tiện phổ biến của HS phổ thông, kể cả người lớn tuổi… bởi lẽ không cần bằng lái, không tốn tiền mua xăng nhưng có thể chạy với tốc độ không thua xe gắn máy là bao.
Nhiều chiếc xe đạp điện, xe máy điện được thiết kế chẳng khác gì các dòng xe máy tay ga cao cấp. Phương tiện này được đánh giá là thân thiện với môi trường, vận hành tiện lợi. Tuy nhiên đang bộc lộ những hạn chế nhất định khi lưu thông và trở thành ẩn họa gây tai nạn.
Những người điều khiển xe đạp điện chủ yếu là HS, kỹ thuật kiến thức của các em chưa nhiều lại dễ bị a dua, kích động, nên dẫn tới tình trạng thách đố nhau lạng lách đánh võng. Không ít bạn đi xe đạp điện chở 3, không đội mũ bảo hiểm (MBH) vẫn chạy vù vù trên đường đến trường, hoặc giờ tan học. Người điều khiển xe đạp điện cứ vô tư chạy tốc độ nhanh trước đầu xe máy, ô tô khiến người đi đường nhiều phen hú vía. Thực tế, có không ít vụ va chạm giao thông xảy ra liên quan đến xe đạp điện. Cụ thể ngày 27-10 vừa qua, tai nạn xảy ra trên đường Tô Ngọc Vân (đoạn qua P.Thanh Xuân, Q.12, TP.HCM) khiến một nam sinh cấp 3 bị tử vong.
Chúng tôi được biết, trước ngày khai giảng năm học mới, các cửa hàng bán xe đạp điện ở đường Võ Thị Sáu (quận 3, TP.HCM) không đủ hàng cung cấp cho HS. Nhiều phụ huynh đã không ngần ngại bỏ ra hơn chục triệu đồng mua cho con xe đạp điện, mà không biết rằng mối nguy hiểm khi đi loại xe này chẳng kém gì xe máy. Dù gọn nhẹ nhưng xe đạp điện vẫn có thể đạt tốc độ 30-40km/h, trong khi không mấy người điều khiển đội MBH. Nhất là HS nữ sử dụng xe đạp điện dễ xảy ra va quệt vì tốc độ đi tương đối nhanh. Do xe có trọng lượng nhẹ, đi êm không phát ra tiếng động, trong khi tốc độ cao nên dễ gây mất an toàn cho chính người điều khiển phương tiện.
Quy định tại khoản 5, điều 3, nghị định 34 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ nêu rõ: “Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất nhỏ hơn hoặc bằng 30km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (bao gồm cả xe đạp điện)”. Quy định đã rõ, nhưng thực tế, HS chạy quá tốc độ cho phép là thường xuyên. Đáng lo ngại hơn, hiện ở TP.HCM đã xuất hiện nhiều loại xe hai bánh lắp động cơ điện có tốc độ trên 50km/h, trong khi bộ phanh chỉ bảo đảm an toàn khi xe chạy với vận tốc tối đa là 25km/h. Điều này là vô cùng nguy hiểm.
Khó khăn nhất trong quá trình xử lý khi xảy ra tai nạn mà đối tượng điều khiển thường là HS phổ thông, chưa đến tuổi vị thành niên, luật chưa yêu cầu phải có bằng lái xe khi tham gia giao thông. Hơn nữa xe đạp điện không phải đăng ký quản lý nên CSGT không thể lập biên bản để giữ bất cứ một thứ gì với những trường hợp vi phạm.
Hơn nữa việc chế tài xử lý vi phạm người điều khiển và ngồi trên xe đạp điện không đội MBH còn rất thấp, chưa rõ ràng, không có tính giáo dục, răn đe. Tại điểm d, khoản 4, điều 11, nghị định 34 chỉ áp dụng mức phạt từ 100.000-200.000 đồng đối với người trên 18 tuổi; từ 16 tuổi đến 18 tuổi phạt 50% của mức phạt đối với người trên 18 tuổi, dưới 16 tuổi phạt cảnh cáo và giữ xe 10 ngày.
Để ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng HS điều khiển xe đạp điện vi phạm trật tự an toàn giao thông, cần có sự phối hợp từ nhiều phía. Các cơ quan chức năng cần tổ chức kiểm tra thường xuyên để các em dần dần có thói quen tự giác chấp hành. Nhà nước cần khống chế việc nhập khẩu, cần quy định rõ cơ quan chức năng quản lý loại phương tiện này trong khi chưa cấp biển số, giấy đăng ký phương tiện và bằng lái. Nên chăng tới đây đưa ra quy định cấp biển số đăng ký phương tiện đối với loại phương tiện này để quản lý và xử lý khi cần. Nhà trường, phụ huynh, các đoàn thể cần tuyên truyền giáo dục nhắc nhở các em HS chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình vi phạm, phải xử lý mạnh tay đủ sức răn đe, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông do xe đạp điện gây nên.
Đỗ Thông
Bình luận (0)