Bán bánh tráng trộn trước cổng trường ĐH Công nghiệp TP.HCM |
Là món ăn hè phố được lứa tuổi học trò ưa thích, bánh tráng trộn có mặt hầu hết ở trước các cổng trường học. Tuy nhiên, đằng sau món ăn khoái khẩu này đang chứa đựng nhiều ẩn họa về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Không quan tâm đến vệ sinh
Trên đại lộ Phạm Văn Đồng thuộc P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM từ chân cầu Bình Lợi 2 đến vòng xoay ngã sáu Gò Vấp cứ đi khoảng hơn 100m là có một xe đẩy bán bánh tráng trộn. Nếu đứng quan sát thì sẽ thấy khách mua chủ yếu là các chị em phụ nữ trẻ tuổi, nhưng nhiều nhất vẫn là các em học sinh độ tuổi thiếu niên. M. một nữ sinh của Trường THCS Bình Lợi Trung vừa mới ăn xong một bịch bánh tráng trộn ngay bên đường cho biết: “Hầu như ngày nào đi học thêm về em cũng ghé vào đây mua một bịch ăn tại chỗ hoặc đem về nhà”. Không chỉ các bạn nữ sinh, lâu lâu cũng có vài nam sinh ghé mua 1 bịch đem về lớp để thưởng thức món bánh tráng trộn. Điều đáng nói là quầy bán bánh tráng trộn này ở gần một bãi rác và vựa ve chai thế mà chẳng có khách hàng nào để ý. Xa hơn một chút là rạch Cái Lăng do bị ô nhiễm nặng nên mùi hôi bốc lên nồng nặc. Thế nhưng, người mua kẻ bán vẫn vô tư như không có chuyện gì xảy ra.
Nếu trước đây bánh tráng trộn “phủ sóng” gần như các cổng trường tiểu học, THCS và THPT thì bây giờ mặt hàng chủ lực này đang “bao vây” hầu hết cổng trường ĐH và CĐ. Trước cổng trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ngoài các mặt hàng như cá viên chiên, nước mía, bánh cuốn, cơm chiên… thì bánh tráng trộn vẫn là món ăn hè phố phổ biến của các bạn sinh viên. Sẵn có tiền trong tay, sẵn có người bán trước cổng trường, các sĩ tử kể cả nam lẫn nữ không cần phải tính toán nhiều khi bỏ ra 10.000 đồng mua một bịch thức ăn quà vặt để nhâm nhi trong lúc ra chơi. Đó cũng là cảnh mua bán nhộn nhịp trước cổng trường ĐH Sài Gòn với 4, 5 chiếc xe đẩy bánh tráng trộn nhất là vào các giờ trưa. Dù đứng chờ xe buýt hay chuẩn bị lên xe máy đi đâu đó, trên tay sinh viên đều có cầm bịch bánh tráng trộn là một hình ảnh rất phổ biến trên con đường này.
Nếu các mặt hàng khác, người mua thường quan tâm đến bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ thì đối với bánh tráng trộn không bao giờ có chuyện đó xảy ra, vì ai cũng biết rằng đây là món ăn không được ai kiểm định và cũng không biết nguyên liệu lấy từ đâu ra. Chị B. một nhân viên ngân hàng thường làm bánh tráng trộn bán cho đồng nghiệp trao đổi: “Do người quen là khách hàng nên tôi phải chọn loại bánh tráng cắt sợi sạch, giá cao chứ không mua loại giá 15.000 hoặc 20.000/kg vì đó là bánh tráng vụn đáng ra bỏ đi nhưng người ta tìm cách tận dụng”.
Bánh tráng trộn hè phố khó bảo đảm vệ sinh |
Ăn vào coi chừng ngộ độc
Để hạ giá thành người bán thường mua các loại nguyên liệu như sa tế, khô bò, khô mực giá rẻ vì quá đát hoặc kém chất lượng. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì không nên mua các nguyên liệu có sẵn mà phải tự người bán chế biến mới kiểm tra được chất lượng. Vì thế chị H. thường mua hột điều sạch về làm sa tế nhưng trong thực tế thì ít người làm được như vậy. Cũng theo lời khuyên của chị B. không nên ăn các loại bánh tráng trộn có khô bò, khô mực vì dù ngon miệng nhưng lại dễ gặp hàng giả, hàng quá hạn rất độc hại. Hầu hết khô bò được bày bán trôi nổi là các loại thực phẩm từ các nguồn thịt bẩn, không qua kiểm dịch chứa nhiều mầm bệnh về đường tiêu hóa rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, các loại sốt me, ớt bột tạo nên vị giác và mùi thơm hấp dẫn nhưng rất khó phát hiện là hàng kém chất lượng do bị mốc và hư hỏng. Trong “công nghệ” sản xuất bánh tráng trộn không thể thiếu dầu, thế nhưng rất khó có dầu chính hãng được đưa vào chế biến mà chủ yếu là dầu giá rẻ và cả việc tận dụng dầu thải đã qua tái chế.
Mặc dù hiện nay hầu hết món bánh tráng trộn được trộn bằng đũa nhưng vẫn có người bán trộn bằng tay với số lượng lớn nên mất vệ sinh nếu không sử dụng bao tay, khẩu trang khi chế biến. Ít ai biết rằng, các túi đựng bánh tráng trộn bằng nilon tái chế cũng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người mua. Hầu hết các đại lý bánh tráng trộn tận dụng chỗ bán bên lề đường, góc chợ, trước cổng trường nên rất mất vệ sinh vì gần bãi rác, miệng cống, chân cầu…
Bài, ảnh: Quang Phan
Rất khó đảm bảo vệ sinh ThS.BS Đào Thị Yến Phi – Trưởng bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) khuyến cáo, bánh tráng trộn là món ăn nguội, không được đun nấu trước khi dùng nên rất khó đảm bảo vệ sinh nhất là khi bày bán trên hè phố và không được kiểm định chất lượng như các thực phẩm khác. Nếu ăn vào bị ngộ độc thực phẩm thì rất dễ bị ói mửa, nhức đầu nhất là các em ở tuổi học trò sức đề kháng còn yếu vì thế không nên lạm dụng bánh tráng trộn và những thức ăn đường phố khác. |
Bình luận (0)