Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ẩn hoạ từ mốt đeo kính giãn tròng

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây, trong giới trẻ và một số ca sĩ, người mẫu, diễn viên Việt Nam rộ lên mốt đeo kính Circle lens (kính giãn tròng), để làm tròng mắt trông to ra với viền đặc biệt ở vòng ngoài của kính, cho giống… diễn viên Hàn Quốc. Đây là kiểu làm đẹp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn thương cho mắt.

Kính áp tròng nào cũng có chỉ định

Một loại kính giãn tròng đang bán trên thị trường. Ảnh: M.Thảo

Các loại kính được đặt lên lòng đen (giác mạc) có tên chung là kính áp tròng hay kính tiếp xúc, với những chỉ định chính: điều trị các tật khúc xạ như: cận – viễn – loạn thị (thay thế kính gọng thông thường); điều trị một số bệnh: giác mạc hình chóp, trượt biểu mô giác mạc tái phát, sau mổ LASIK… Kính giãn tròng là một loại kính áp tròng, do vậy đòi hỏi các chỉ định mang tính chuyên khoa. Mục đích thẩm mỹ hay thoả mãn thú chơi của người sử dụng không được giới y khoa khuyến khích.

Lạm dụng kính được hiểu theo hai nghĩa: không có bệnh mà vẫn dùng để thoả mãn thú chơi; đeo kính quá lâu so với tuổi thọ của kính hay lười tháo lắp, lười vệ sinh kính. Lạm dụng kính không sớm thì muộn sẽ gây hại cho mắt.

Đẹp ít, nguy nhiều

Giới trẻ đang sử dụng nhiều loại kính tiếp xúc như một cách trang trí cho mắt: thay đổi màu mắt, tạo hình ảnh đồng tử giãn to giả tạo, có hình ảnh của con thú được ưa thích hay hình trái bóng… Xin nói ngay là nguồn gốc của các kính trên không rõ ràng, không ai dám đảm bảo chất lượng cũng như không ai đền bù cho họ nếu có thiệt hại do kính gây ra. Thêm nữa, đeo kính tiếp xúc không đúng chỉ định, lạm dụng hay vệ sinh kém, sai sót về kỹ thuật tháo lắp có thể gây ra các tai biến sau: xước, trượt lòng đen gây đau đớn; loạn dưỡng lòng đen, viêm nhiễm hoặc loét lòng đen do vi khuẩn, virút hay nấm; nếu có dị vật bay vào mắt bị kẹt giữa kính và lòng đen thì sẽ rất khó lấy ra, làm bệnh nhân đau đớn nhiều trong khi bác sĩ cũng khó thao tác khi lấy dị vật. Như vậy cái hay, cái đẹp do kính trang trí mang lại thì ít nhưng tốn kém và nguy hại thì lại nhiều.

Trên phim ảnh, người ta dùng kính trang trí cho những đêm dạ tiệc hoá trang, để cuốn hút người tình hay để thay đổi nhận dạng khi hoạt động gián điệp… Thực tế thì chúng ta không mấy ai rơi vào hoàn cảnh tương tự, do vậy đừng tiêu tiền vô ích để “chơi” loại kính này.

ThS.BS Hoàng Cương
(phó khoa khám bệnh, bệnh viện Mắt Trung ương)

SGTT.VN

Bình luận (0)