Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ăn kháng sinh trong bữa cơm

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang trở thành vấn đề quan ngại hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong đó, Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất. Không chỉ lao, sốt rét, viêm phổi mà các thuốc dự phòng HIV/AIDS, các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới cũng đang bị kháng. Điều đáng nói, nguyên nhân không chỉ từ việc sử dụng thuốc bừa bãi của người dân, của bác sĩ điều trị mà ngay cả trong thực phẩm người dân ăn mỗi ngày cũng đầy rẫy kháng sinh tồn dư trong thịt, cá, tôm, cua…

Người lành, người bệnh đều “ăn” kháng sinh

Tại cuộc gặp gỡ với Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) mới đây, Giáo sư Trần Đông A không khỏi băn khoăn khi đặt ra những vấn đề bức xúc của ngành y tế hiện nay. Một trong những vấn đề đó là tình trạng sử dụng kháng sinh vô tội vạ. “Tại một hội nghị y khoa quốc tế, một chuyên gia nước ngoài nói với tôi, Việt Nam sao không kiểm soát kháng sinh, sử dụng bừa bãi, gây đề kháng quá lớn”, GS Trần Đông A cho biết. Về vấn đề này, TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cũng bức xúc vì trong trồng trọt, chăn nuôi, nhất là nuôi heo, nuôi cá hiện nay dùng kháng sinh quá nhiều. “Nhiều chủ chăn nuôi chưa đợi heo, cá đào thải hết kháng sinh đã xuất bán, khiến tồn dư kháng sinh trong thực phẩm rất lớn”, TS Thượng nói. Từ đó, người dân ăn thực phẩm mỗi ngày cũng là “ăn” cả kháng sinh, lâu dần cũng dẫn đến đề kháng thuốc mà không hiểu tại sao!

 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, kháng thuốc không  phải là chuyện mới, nhưng mức độ ngày càng trầm trọng và tốc độ gia tăng của vấn đề này ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe cộng đồng: “Sau 70 năm từ khi có thuốc kháng sinh, chúng ta đang phải đối mặt với khả năng của một tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với các phẫu thuật và phương  pháp điều trị như hóa trị liệu ung thư và cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người”.

Theo các chuyên gia y tế, trong chăn nuôi, để hạn chế rủi ro với các nguy cơ dịch bệnh, người dân có thói quen dùng nhiều loại kháng sinh, thuốc kích thích, bao gồm cả các hoạt chất và thuốc thú y ngoài danh mục lưu hành. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, trong chăn nuôi công nghiệp có hiện tượng lạm dụng quá nhiều các loại kháng sinh tổng hợp, số hộ sử dụng thuốc kháng sinh có từ 3 – 6 hoạt chất chiếm 27% số trang trại nuôi lợn thịt, 24% trang trại nuôi lợn con và 10% trang trại nuôi gà, vịt. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, đến nay việc sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi gần như bỏ ngỏ, mà chỉ quan tâm nhiều đến các chất kích thích, tăng trọng, tạo nạc…

Trong khi đó, ở cộng đồng và chính trong các bệnh viện, kháng sinh cũng được sử dụng như “ăn rau”. “Hễ nhức đầu, sổ mũi, người dân lại chạy ra nhà thuốc mua thuốc uống, nhân viên quầy thuốc vô tư bán. Nếu uống kháng sinh nhẹ một vài ngày thấy chưa hết bệnh thì dùng luôn kháng sinh mạnh”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên phát biểu tại hội nghị đề kháng thuốc mới đây. Sự dễ dãi trong mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh đang là một thực tế mà theo TS Nguyễn Quốc Bình, Trưởng khoa Dược Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, không khác gì mua rau ở ngoài chợ về ăn.

Phải kiểm soát nghiêm ngặt

Không chỉ trong cộng đồng hay trang trại chăn nuôi – trồng trọt, kháng sinh dùng trong bệnh viện cũng đã kháng nhiều loại kháng sinh. Có những loại kháng sinh thế hệ mới vừa đi vào sử dụng tại Việt Nam chưa được 10 năm nhưng cũng bị kháng. Đó là kháng sinh Imipenem/Cilastatin, Carbapenem đã nhạy cảm đối với các trực khuẩn gram âm không sinh men. Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhiều loại vi khuẩn, trực khuẩn đã đề kháng với kháng sinh thế hệ thứ 3, thứ 4 lên tới 50% – 60% như Klebsiella spp, Pseudomonas spp, Acinetobacter spp… Trong một hội thảo mới đây, GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, lo lắng vì nhiều loại kháng sinh không còn hiệu quả điều trị, mặc dù là thế hệ thứ 3, thứ 4. “Không đâu xài kháng sinh như nước ta, nhiều nước vẫn sử dụng kháng sinh thế hệ 1, còn ta dùng thế hệ 3, 4 mà vẫn bị kháng. Đến lúc không còn kháng sinh nào đặc hiệu mà xài”, GS Phạm Mạnh Hùng trăn trở. Số liệu báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện đa khoa tỉnh ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TPHCM… về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh cho thấy 30% – 70% vi khuẩn gram âm đã kháng với Cephalosporin thế hệ 3 và 4; 40% – 60% kháng với Aminoglycosid và Fluoroquinolon…

Bệnh nhân mua thuốc tại nhà thuốc

Thực trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng khiến hiệu quả điều trị thấp, kéo dài ngày nằm viện, tăng chi phí điều trị. Do đó, cần những giải pháp cấp thiết để ngăn chặn tình trạng này. Theo GS Trần Đông A, đã đến lúc cần đưa những quy định bắt buộc khắt khe trong sử dụng kháng sinh cũng như chế tài vào Luật Dược, Luật Khám chữa bệnh và cả chăn nuôi, trồng trọt. “Cần truyền thông, hướng dẫn mạnh mẽ để người dân, cộng đồng đừng lạm dụng kháng sinh nữa”, GS Trần Đông A khẩn thiết đề nghị. PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho rằng cần kiểm soát mạnh kháng sinh trôi nổi trên thị trường, có chế tài nghiêm khắc đối với các nhà thuốc bán kháng sinh mà không có đơn thuốc. Trong điều trị, ông đề nghị các bệnh viện phải tuân thủ làm kháng sinh đồ, thường xuyên bình đơn thuốc để xử lý những bác sĩ sử dụng kháng sinh bừa bãi.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế, trong tổng số 2.953 nhà thuốc được điều tra, có 499 nhà thuốc ở thành thị và 257 nhà thuốc ở nông thôn có bán đơn thuốc kê kháng sinh. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn (88% ở thành thị và 91% ở nông thôn); người dân thường yêu cầu được bán kháng sinh mà không có đơn thuốc chiếm 49% (thành thị) và 28,2% (nông thôn).

TƯỜNG LÂM/ SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)