Cụ Nguyễn Du thật tài tình khi ứng câu Kiều này vào trường hợp một học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng vừa phải “trở về mái nhà xưa” học lớp 1. Đúng vậy, “ăn làm sao, nói làm sao bây giờ” khi tuổi em đã lớn (13 tuổi) mà về ngồi chung bàn với bạn… mới 6 tuổi thì cũng khá tội nghiệp.
Như vậy, hàng năm (từ lớp 1 đến lớp 5), em học sinh này “bị ép lên lớp” chứ không còn là “được lên lớp” nữa. Vậy cần làm rõ để quy trách nhiệm của giáo viên, của hiệu trưởng thông qua học bạ hàng năm. Cũng cần xem lại các bài kiểm tra có lưu lại không hay chơi trò “cấy điểm, dặm điểm” như “cấy lúa, dặm lúa” (Sóc Trăng cũng là vùng đất nông nghiệp nên việc “dặm, cấy” quen tay là chuyện thường). Có thể nhận được câu: Việc cho em học sinh này lên lớp là “đúng quy trình”!
Mặc dù gia đình đã xin cho em được “ở lại lớp” nhưng nhà trường lại không đồng ý và “nhẹ nhàng đẩy em lên lớp trên”. Sao không ngồi lại cùng bàn bạc, cùng khảo sát ngay từ đầu để xác định học lực của em và đưa ra cách giải quyết phù hợp? Phải nói ngay rằng: giáo viên dạy em, đánh giá học lực của em vô cùng thiếu trách nhiệm. Vì giáo viên là người trực tiếp dạy nên hiểu rõ khả năng của em hơn ai hết. Vậy mà vẫn cho em đủ điểm, vẫn đánh giá em đạt yêu cầu để bây giờ người nhận hậu quả là học sinh. Bên cạnh đó là trách nhiệm của hiệu trưởng, của phó hiệu trưởng chuyên môn, của tổ trưởng chuyên môn. Quy trình làm việc thế nào mà một học sinh chưa đọc thông viết thạo lại được lên lớp ào ào? Sao không lắng nghe dư luận, lắng nghe mọi ý kiến để kịp thời khắc phục?…
Ở đây, có hai trường hợp xảy ra: Một là, giáo viên quá yếu về chuyên môn, không đủ năng lực giảng dạy; đánh giá sai học lực của học sinh. Hai là, giáo viên không có trách nhiệm, đánh giá ẩu tả, không lường trước hậu quả khi cho học sinh lần lượt lên lớp và tuyển vào bậc THCS. Dư luận cho rằng còn nhiều học sinh như vậy nữa nhưng “chưa bị lộ”; vẫn được các trường giấu giếm, không để lộ ra ngoài (vì sợ mất điểm thi đua cuối năm). Việc “mất điểm thi đua” như thế nào, phụ huynh không cần biết. Điều quan trọng bây giờ là làm sao đảm bảo việc học, quyền lợi học tập của học sinh. Không hiểu em sẽ học như thế nào trong lớp 1 vì xung quanh em toàn là… em út của mình?
“Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ” trước phụ huynh, trước học sinh và trước lương tâm của người thầy đã “âm thầm” cho em lên lớp?
Thạch Hoàng Sa
Bình luận (0)