Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Ăn mặc để tôn trọng nghề, tôn trọng trò

Tạp Chí Giáo Dục

Sự kiện một giáo sư mặc quần đùi trong lúc giảng bài đang gây tranh cãi trên mạng. Bài này xin không tham gia vào cuộc tranh cãi ấy, mà chỉ nhân vụ việc này đặt vấn đề thầy trò nên ăn mặc như thế nào khi ở trường?

Cách ăn mặc của con người đã có từ lâu và luôn biến đổi cùng với sự tiến hóa của con người. Vượt ra ngoài sự che ấm, bảo vệ thân thể, cách ăn mặc đã trở thành một môn nghệ thuật gọi là thời trang đầy tính sáng tạo. Ngày nay, biểu diễn thời trang đã trở thành một ngành công nghiệp hái ra tiền.

Thế giới có nhiều nhà tạo mốt đã cho ra đời nhiều kiểu quần áo lạ mắt nhưng đầy tính nghệ thuật được nhân loại ngưỡng mộ. Tất nhiên những sáng tạo đó không đi ngược với những giá trị nghệ thuật, văn hóa lâu đời của xã hội; đồng thời không lố lăng, kệch cỡm. Sáng tạo không có nghĩa là đập bỏ quá khứ, phủ nhận hiện tại mà có sự kế thừa văn hóa có chọn lọc.

Cũng nằm trong trào lưu tiến hóa ấy, cách ăn mặc của người Việt đã trải qua nhiều thay đổi nhưng nhìn chung biểu hiện sự giản dị mà kín đáo. Phong cách ấy tạo nên văn hóa, tâm hồn người Việt. Văn hóa người Việt có nghĩa là tùy nơi mà có cách ăn mặc cho phù hợp. Ở nhà, ăn mặc đơn giản nhưng thể hiện tôn ti trật tự, kính trọng, lễ phép ông bà, cha mẹ. Lễ cưới hỏi thì ăn mặc đẹp, trẻ trung nhưng lịch sự thể hiện sự quý mến, tôn trọng họ hàng sui gia. Đám ma thì chọn mẫu áo, màu phù hợp với không khí u buồn. Chốn tôn nghiêm thì lịch sự, kín đáo; chốn học đường thì nho nhã, thuần khiết. Khác hoàn toàn với nơi đường phố, chợ búa ăn mặc có phần suồng sã hơn. Tuy nhiên, ngay nơi chợ búa ở vào giữa thế kỷ 20 vừa qua vẫn còn cảnh phụ nữ mặc áo dài ở nhiều nơi.

Nói đến cách ăn mặc tôi chợt nhớ đến những thầy cô dạy ĐH của tôi trước đây, những năm đầu sau ngày giải phóng. Thời kỳ đó vải vóc là mặt hàng xa xỉ đối với nhiều người. Một năm mỗi thầy cô được phân phối vài mét vải nên áo quần rất thiếu thốn chứ đâu phải ra ngõ là gặp cửa hàng thời trang như bây giờ. Dù quần áo của họ đa phần là cũ nhưng tất cả đều lịch sự, kín đáo khi đến trường. Trong các thầy cô, có thầy H.H.L còn trẻ, độc thân, ở khu tập thể trong trường. Có lần, tôi và các bạn trong lớp đến phòng thầy chơi, bắt gặp thầy đang ngồi vá áo. Thầy vội giấu đi vì không muốn cho chúng tôi thấy. Chúng tôi đâu biết sau những bộ quần áo chỉnh tề khi lên lớp là sự cố gắng giữ gìn để đừng đánh mất đi hình ảnh đẹp của người thầy. Sau này bước vào nghề dạy học tôi mới biết thầy cô ăn mặc lịch sự như thế trước hết là tôn trọng nghề của mình, sau đó là để tôn trọng trò. Học trò được tôn trọng là bước đi đầu tiên của người thầy trên con đường hướng dẫn trò đến thế giới ánh sáng của tri thức.    

Có thể nhận ra mỗi cách ăn mặc có một cách thể hiện ngôn ngữ riêng của nó. Ngôn ngữ của bộ trang phục trên người tùy loại mà có thể nói lên sự gần gũi yêu thương, dịu dàng hay sự nghiêm khắc, quyền uy. Một bộ đồ cẩu thả đôi khi là một lời khinh miệt người đối diện.   

Có một thời trên truyền thông tranh cãi khá gay gắt nên bắt buộc học sinh mặc đồng phục hay không bắt buộc? Ý kiến bắt buộc cho rằng mặc đồng phục giúp các em có tinh thần đồng đội, biết tự hào và bảo vệ danh dự nhà trường. Phía không bắt buộc cho rằng để tôn trọng cá tính của mỗi học sinh, nền tảng của sự sáng tạo. Cuộc tranh cãi đến nay không có bên nào thắng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số trường yêu cầu học sinh mặc đồng phục đang ngày càng nhiều lên.

Nói tóm lại, trường học là môi trường ươm mầm sáng tạo nhưng có nhiều con đường để đi đến sáng tạo, không nhất thiết thầy giáo phải thay đổi cách ăn mặc giản dị mà lịch sự hàng ngày mới gọi là kích thích sự sáng tạo của trò.

Từ Nguyên Thạch

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)