Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ăn mặn – nguy cơ tử vong vì tim mạch

Tạp Chí Giáo Dục

Nên tập giảm thói quen ăn mặn để tốt cho tim mạch (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: K.N

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, người Việt Nam đang có thói quen sử dụng muối nhiều gấp 3 lần so với mức được khuyến cáo. Đây là mức độ cao đáng báo động trong khi thế giới đang kêu gọi một chế độ ăn nhạt để tim khỏe mạnh hơn.
Tim “mệt” do ăn mặn
Ăn thừa muối sẽ gây ra nhiều chứng bệnh, trong đó nguy hiểm và gây tử vong nhiều nhất chính là các bệnh tim mạch. Khi chúng ta ăn một lượng muối quá mức cho phép sẽ khiến cơ thể phải giữ một lượng nước lớn, lượng nước này có trong máu và buộc tim phải hoạt động nhiều hơn để vận chuyển máu đến các cơ quan. Tim hoạt động quá “công suất” dễ phản ứng lại với cơ thể bằng các triệu chứng suy tĩnh mạch, tăng nhịp tim, xơ vữa mạch máu… Chưa kể, lượng lớn natri (sodium) có trong máu khi ăn nhiều muối cộng với tình trạng thần kinh thường xuyên căng thẳng do áp lực công việc nhiều như hiện nay sẽ dễ gây nên chứng co mạch và làm tăng huyết áp. Đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… vốn dễ khiến tim ngừng đập đột ngột. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu chúng ta ăn nhiều muối hơn mức cho phép (tức 6g muối/người/ngày, tương đương với 1 muỗng cà phê) thì sẽ làm gia tăng tỉ lệ mắc các bệnh tim mạch. Chẳng hạn như các điều tra đã chứng minh người dân Hà Nội sử dụng 9g muối/người/ngày, tỷ lệ tăng huyết áp cao là 11%, Nghệ An 13g muối/người/ngày, tỷ lệ 17-18%.  Còn trên thế giới, nghiên cứu của cơ quan chuyên trách điều tra muối ăn lớn nhất thế giới (Intersalt) đã nêu lên mối tương quan chung giữa những người tiêu thụ muối và bệnh cao huyết áp, nhất là ở những người ở độ tuổi trung niên. Nghiên cứu của Intersalt cho biết, nếu giảm 1/3 lượng muối hấp thu trong chế độ ăn thì có thể giảm được 22% tỉ lệ đột quỵ và 16% tỉ lệ bệnh tim.
Ngon miệng mà vẫn khỏe
Dẫu biết ăn mặn có hại cho tim nhưng đây đã là thói quen khó bỏ của rất nhiều người, đặc biệt là người Việt Nam. Lý giải về điều này, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh (Trưởng phòng Dinh dưỡng cộng đồng – Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho biết, chúng ta đã quen với dùng nhiều muối trong bữa ăn hàng ngày từ xa xưa và vẫn tiếp tục duy trì cho đến nay. Tuy kinh tế ngày càng khá hơn và chúng ta có điều kiện để ăn đủ thịt cá nhưng nhiều người vẫn thích hương vị của các loại nước mắm, nước tương, chao… và trên mâm cơm vẫn thường có thêm chén nước chấm để thêm phần đậm đà. Hơn nữa, khi kinh tế phát triển, chúng ta lại sử dụng nhiều các thực phẩm chế biến sẵn thường chứa lượng muối cao gấp nhiều lần so với lượng muối dùng trong chế biến thức ăn tại gia đình.
Vì vậy, để cân bằng lượng muối hấp thụ của cơ thể, chúng ta nên dành thời gian tự nấu ăn thay vì sử dụng các món ăn được chế biến sẵn. Đồng thời, để bảo vệ sức khỏe nhưng vẫn duy trì được cảm giác ngon miệng. Theo BS. Hạnh, chúng ta nên tập giảm thói quen ăn mặn dần dần, không thể giảm một cách đột ngột (trừ các trường hợp bị các bệnh lý mà bác sĩ chỉ định phải ăn lạt). Đồng thời, để tránh bị “quyến rũ” bởi các món mặn, chúng ta không nên trữ nhiều loại thức ăn mặn trong nhà như cá khô, dưa muối, chanh muối… và hạn chế đi ăn bên ngoài để có thể kiểm soát được lượng muối dung nạp vào cơ thể một cách vừa đủ. Với những gia đình có con nhỏ, các bà nội trợ nên tập cho trẻ ăn ít muối ngay từ nhỏ để hình thành thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe. Các bà mẹ cũng nên lưu ý hàng ngày trẻ em chỉ cần từ 2-3g muối, tức chỉ khoảng phân nửa so với nhu cầu của người lớn.
Nguyễn Hưng

Bình luận (0)